Sau khi liên tiếp hứng chịu các đợt tấn công của lực lượng trung thành với Tổng thống đắc cử được quốc tế công nhận Alassane Ouattara, cũng như của Phái bộ LHQ ở Cốt Đivoa (UNOCI) và lực lượng Licorne của Pháp, Tổng thống thất cử Cốt Đivoa, Laurent Gbagbo, đã buộc phải đưa ra đề nghị ngừng bắn với cam kết thương lượng chuyển giao quyền lực cho Tổng thống thắng cử Ouattara. Một tư lệnh của ông Gbagbo cho biết các binh sĩ trung thành với ông này đã ngừng giao tranh. Theo các nguồn tin tại chỗ, tình hình tại thủ đô Abigiăng của Cốt Đivoa vào tối 5/4 đã lắng dịu, tiếng súng chỉ còn lác đác tại một số nơi.
Tổng thống được quốc tế công nhận A. Ouattara |
Hãng tin Reuters dẫn lời một người phát ngôn của phe ông Gbagbo cho biết, vị tổng thống thất cử này đang cố gắng thương lượng các điều kiện để ông ta và gia đình có thể rời khỏi đất nước một cách an toàn. Phái bộ LHQ cũng thông báo tổng tư lệnh quân đội của phe ông Gbagbo đã đề nghị tất cả binh lính hạ vũ khí đầu hàng. Các nguồn tin đều khẳng định nếu các bên đạt được thỏa thuận thì chỉ trong vài giờ tới ông Gbagbo sẽ đưa ra tuyên bố chấp nhận rời bỏ quyền lực.
Tổng thống thất cử L.Gbagbo. |
Trước đó, các cuộc giao tranh dữ dội giữa lực lượng trung thành với Tổng thống đắc cử được quốc tế công nhận Alassane Ouattara và những người ủng hộ Tổng thống thất cử Laurent Gbagbo làm rung chuyển thủ đô Abigiăng. Hãng AFP dẫn nguồn tin từ các nhân chứng ở Abigiăng cho hay, chiến sự diễn ra ác liệt nhất tại hai quận Plateau và Cocody. Đây là ngày giao tranh thứ hai giữa hai bên sau khi ông Ouattara phát động một cuộc tấn công tổng lực cuối cùng nhằm giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Cuộc tấn công này nhằm vào các mục tiêu chính như đài truyền hình và dinh tổng thống, những thành trì cuối cùng của ông Gbagbo ở Abigiăng.
Máy bay trực thăng của Phái bộ LHQ ở Cốt Đivoa (UNOCI) và lực lượng Licorne của Pháp cũng đã tấn công các doanh trại quân đội, tư gia và dinh thự của Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo ở Abigiăng. Người phát ngôn của UNOCI, ông Hamadoun Toure, khẳng định chiến dịch quốc tế này “phù hợp với nhiệm vụ và nghị quyết số 1975 được HĐBA LHQ thông qua ngày 30/3”. Chính phủ Pháp cũng xác nhận các binh sĩ nước này và LHQ đã tiến hành chiến dịch nhằm “vô hiệu hóa mọi vũ khí được các chiến binh của ông Gbagbo sử dụng chống lại dân thường” theo tinh thần nghị quyết trên.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Pháp (Licorne) tại sân bay quốc tế ở thủ đô Abigiăng ngày 4/4. Ảnh: AFP-TTXVN |
Trong tuyên bố ngày 5/4, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng chiến dịch quốc tế của LHQ và Pháp không phải là một lời tuyên chiến chống lại ông Gbagbo và 11.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình của LHQ không được lệnh lật đổ vị tổng thống mãn nhiệm này. Ông Ban Ki-moon đồng thời cáo buộc lực lượng của ông Gbagbo đã gia tăng việc sử dụng súng cối, súng phóng lựu và súng máy hạng nặng chống lại dân thường và lực lượng gìn giữ hòa bình. Theo ông Ban Ki-moon, chiến sự căng thẳng trong những ngày gần đây tại Cốt Đivoa là “hậu quả trực tiếp của việc ông Gbagbo không chấp nhận từ bỏ quyền lực và cho phép một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình cho ông Ouattara”.
Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy cũng đã lên tiếng ủng hộ các nỗ lực của LHQ, đồng thời kêu gọi ông Gbagbo chấp nhận chuyển giao quyền lực. Trong cuộc thảo luận với Tổng thống Gabông, Ali Bongo, ngày 5/4 nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Cốt Đivoa, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực leo thang tại Cốt Đivoa. Nguồn tin từ Nhà Trắng cho hay, ông Obama tuyên bố Tổng thống mãn nhiệm Gbagbo nên tôn trọng ý nguyện của người dân nước mình và “thôi đòi làm tổng thống”.
Nam Hạnh (tổng hợp)