Những đợt nắng nóng từ 42-47 độ C đã trở thành thảm họa khiến 2.422 người Ấn Độ thiệt mạng năm 2015. Nguyên nhân khiến nhiều người Ấn Độ bỏ mạng vì nắng nóng được cho bắt nguồn từ một số yếu tố đặc thù như có hơn 1,7 triệu người vô gia cư sống lang thang trên đường phố, mạng lưới điện không ổn định, thiếu nước uống sạch…
Số người thiệt mạng vì nắng nóng tại Ấn Độ đã giảm mạnh trong thời gian qua. Ảnh: Reuters |
Kể từ năm 2016, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định ra tay để thay đổi thực trạng này. Những ý tưởng chính phủ khuyến khích người dân áp dụng là sơn mái nhà màu trắng để giảm hấp thụ nhiệt, thay đổi giờ làm việc của người lao động để tránh thời điểm nắng nóng cực điểm, mở các ki-ốt nước uống sạch...
Các bệnh viện tại Ấn Độ cũng được trang bị thiết bị hỗ trợ những bệnh nhân sốc nhiệt. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ còn tăng cường các dự án theo dõi sức khỏe của người dân.
Bên cạnh đó còn có các chiến dịch tuyên truyền nhắc nhở người dân che chắn phần đầu khi ra đường trong ngày nắng nóng…
Kênh CNN (Mỹ) cho biết trong năm 2017, gần 40.000 người Ấn Độ đổ bệnh vì nhiệt độ cao, đến năm 2018 con số này đã giảm xuống còn 1.000 người.
Ông Hem Dholakia tại Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nước Ấn Độ nhận định các sáng kiến trên đóng vai trò trong giảm thiểu số người chết vì nắng nóng, nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Theo ông Hem Dholakia, trong 2 năm qua, mức độ, thời gian kéo dài và số đợt nắng nóng tại Ấn Độ đã có khác biệt.
Mùa nắng nóng tại Ấn Độ sắp kết thúc, vì vậy dự kiến số người thiệt mạng vì nhiệt độ cao trong năm 2018 tương đối thấp.
Cố vấn cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Ấn Độ, ông V. Thiruppugazh chia sẻ: "Nhiều động thái được áp dụng. Mọi người đều tham gia và nó trở thành một phong trào".