Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu tại Hershey, bang Pennsylvania ngày 15/12/2016. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 14/1 vừa qua, đại diện của Tổng thống đắc cử Trump, ông Sean Spicer xác nhận với hãng thông tấn AFP rằng: “Chúng tôi đã được mời tham dự”. Đồng thời ông Spicer tiết lộ phía Tổng thống đắc cử Mỹ chưa đưa ra phản hồi về lời mời này.
Buổi hòa đàm dự kiến diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan, chỉ 3 ngày sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Trump hôm 20/1.
Như vậy, việc tham dự sự kiện này của đội ngũ “dưới trướng” ông Trump sẽ là tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy quyết tâm của ông chủ Nhà Trắng mới nhằm gắn kết hơn mối quan hệ với Nga.
Nhưng hiện nay ông Trump đang phải đối mặt với phản đối mạnh mẽ từ các chính khách trong đảng Cộng hòa, đó là chưa kể sự khó xử của ông với các lệnh trừng phạt Washington mới áp đặt vào Nga do cáo buộc Moskva
can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ vừa qua.
Ngoài ra, một "vấn đề tế nhị" khác cũng xảy ra là trường hợp Iran góp mặt trong cuộc hòa đàm này. Tuy rất nhiệt tình hâm nóng quan hệ với Nga nhưng ông Trump lại khá lạnh nhạt với Iran.
Tổng thống đắc cử Mỹ từng tuyên bố sẽ "phá hủy" thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và các nước P5+1 (Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ, Anh và Đức) vốn được coi là một thành quả thuộc nhiệm kỳ Tổng thống Barack Obama.
Hiện câu hỏi vẫn bỏ ngỏ là liệu ông Trump có yêu cầu Nga đóng băng quan hệ với Iran để đổi lấy sự thiện chí hơn từ phía Mỹ hay không.
Trong một diễn biến liên quan, chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama lại có động thái bất ngờ đề xuất ông Trump nên tham dự cuộc hòa đàm Syria tại Astana.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nêu rõ: “Chúng tôi đã giữ liên lạc chặt chẽ với cả Nga và người Turk. Chúng tôi khuyến khích chính quyền sắp tới tiếp tục những nỗ lực đó”. Ông Toner đồng thời nhấn mạnh sự tập trung cần phải dành cho cả các cuộc đàm phán hòa bình Syria do Liên hợp quốc làm trung gian.