Ngày 1/4, Chủ tịch Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Tổng thống Cốt Đivoa Alassane Ouattara, cho biết hội nghị các nước Tây Phi sẽ nhóm họp vào ngày 2/4 tại thủ đô Dakar của Xênêgan để thảo luận về tình hình tại Mali.
Hội nghị này có sự tham gia của lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS và đại diện các tổ chức quốc tế họp bàn về các giải pháp cho tình hình bất ổn hiện nay tại Mali.
Binh sĩ đảo chính Mali tại sân bay thủ đô Bamako ngày 29/3. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trước đó cùng ngày, chính quyền quân sự tại quốc gia Đông Phi này tuyên bố hiến pháp nước này đã được khôi phục, đồng thời khẳng định tái lập các thể chế nhà nước trước khi chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự. Người đứng đầu lượng quân sự, Đại tá Amadou Sanogo, cam kết sẽ tham vấn các lực lượng chính trị trong nước để thành lập một cơ quan chuyển tiếp với mục đích tổ chức bầu cử trong hoà bình, tự do và dân chủ, không có sự tham gia của quân đội.
Trong một diễn biến khác, nhóm phiến quân người Tuareg tuyên bố đã nắm quyền kiểm soát Timbuktu, thành phố lớn cuối cùng ở miền Bắc Mali trước đó chính quyền quân sự nắm giữ.
Cuộc đảo chính ngày 22/3 vừa qua khiến chính trường Mali rơi vào khủng hoảng nặng nề và tranh thủ cơ hội này, phiến quân Tuareg phối hợp với các tay súng Hồi giáo đã mở nhiều cuộc tấn công vào các thành phố ở miền Bắc, giành quyền kiểm soát hai thành phố quan trọng là Kidal và Gao. Phong trào Giải phóng quốc gia Azawad - MNLA đã ra tuyên bố cam kết duy trì trật tự và luật pháp tại các thành phố kể trên.
Trong hàng chục năm qua, MNLA đã thường xuyên có các hành động chống phá chính quyền trung ương hòng đòi thành lập một nhà nước độc lập của người Tuarếch. Nhóm này phối hợp với nhóm Hồi giáo vũ trang Ansar Dine có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al - Qaeda nhánh Bắc Phi đã đánh chiếm giành quyền kiểm soát nhiều thành phố ở miền Bắc Mali. Các cuộc tấn công kể từ cuối năm ngoái đã khiến hơn 200.000 người dân phải đi lánh nạn.
TTXVN/Tin tức