Các vụ tấn công xảy ra tại Pyin Oo Lwin, một thị trấn du lịch thuộc bang Shan (San), cũng là nơi các doanh trại có rất nhiều binh sĩ tham gia tập huấn.
Truyền thông địa phương đăng tải các hình ảnh cho thấy nhiều ô tô bị phóng hỏa và bị thủng lỗ chỗ vì đạn, nhiều tòa nhà bị hư hại và đổ sập. Một trong số các vụ tấn công nhằm vào Học viện Công nghệ quốc phòng (DSTA), trong khi vụ tấn công khác nhằm vào một chốt cảnh sát gần cầu Gokteik, một tuyến đường sắt du lịch nổi tiếng.
Liên minh phương Bắc (NA), gồm nhiều nhóm phiến quân vũ trang đang hoạt động trong khu vực, đã thừa nhận tiến hành loạt vụ tấn công trên với mục tiêu trả đũa hành động gần đây của quân đội tại các khu vực sắc tộc.
Quân đội giải phóng dân tộc Taaung (TNLA), nhóm phiến quân tham gia NA, cũng khẳng định tấn công để trả đũa các chuyến dịch truy quét của chính phủ.
TNLA còn xác nhận đã phối hợp với các nhóm nổi dậy là Quân đội Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (NMDAA) và Quân đội Arakan (AA), để thực hiện loạt vụ tấn công này.
AA đang giao tranh với quân đội ở bang miền Tây bất ổn Rakhine, nhưng có quan hệ mật thiết với nhiều nhóm nổi dậy khác.
Trong khi đó, Chuẩn tướng Zaw Min Tun cho biết phiến quân gia tăng mạnh hoạt động tấn công lực lượng an ninh sau bị khi quân đội Myanmar thu giữ hàng tấn ma túy cách đây vài tuần. Trước đó, trong tháng 7, lực lượng cảnh sát chống ma túy đã bị tấn công dữ dội khi tiến hành đợt truy quét ma túy lớn ở thị trấn Kutkai, cạnh bang Shan, thu giữ lượng chất methamphetamin (một loại chất kích thích) trị giá hàng triệu USD và lượng lớn các hóa chất khác.
Các vụ tấn công trên của phiến quân đánh dấu sự leo thang lớn trong cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua ở khu vực này, nơi nhiều nhóm nổi dậy đang giao tranh đòi quyền tự trị lớn hơn cho các sắc tộc thiểu số.
Miền Đông Myanmar là khu vực xảy ra giao tranh trong nhiều thập kỷ qua giữa quân đội với các nhóm phiến quân cũng như giữa các nhóm phiến quân với nhau để giành tài nguyên và mở rộng khu vực kiểm soát. Các chuyên gia cho biết tình hình khu vực này càng trở nên phức tạp hơn sau khi trở thành điểm sản xuất chất methamphetamin lớn nhất thế giới
Trước đó, tháng 12/2018, quân đội và các nhóm phiến quân đã tuyên bố một thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực đến tháng 6/2019. Sau đó, thỏa thuận ngừng bắn này đã được gia hạn đến ngày 31/8 tới. Tuy nhiên, tình trạng giao tranh tái diễn nói trên là một "bước thụt lùi" đối với mục tiêu xây dựng hòa bình cho đất nước của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi trong quá trình chuyển tiếp từ chính quyền quân sự sang chính quyền dân sự.
Trong một diễn biến mới nhất ngày 14/8, quân đội Myanmar kêu gọi các bên liên quan tích cực tham gia các cuộc hòa đàm được tiến hành trong thời gian ngừng bắn, bao gồm cả việc tìm kiếm một giải pháp thông qua đối thoại trong thời điểm tất cả các hoạt động quân sự đều được đình chỉ.
Thông báo của Văn phòng Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Myanmar kêu gọi tất cả các bên tin tưởng hoàn toàn vào các cuộc đàm phán nghiêm túc với Trung tâm Hòa bình và Hòa giải quốc gia (NRPC), cũng như nhóm hòa giải của quân đội, tính đến lợi ích của người dân và nhà nước, tránh áp dụng các chiến thuật kéo dài thời gian trong giai đoạn ngừng bắn.