Dù là một trong số những nước có số ca mắc và tử vong cao nhất tại châu Á, Philippines lại là quốc gia Đông Nam Á cuối cùng nhận những liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên.
Người phát ngôn Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque, cho biết lô vaccine gồm 600.000 liều của tập đoàn công nghệ sinh học Sinovac Biotech (Trung Quốc) sẽ tới Philippines vào ngày 28/2, chậm hơn 5 ngày so với kế hoạch. Số vaccine này do phía Trung Quốc tài trợ. Ông Roque nhấn mạnh chương trình tiêm chủng sẽ được triển khai từ ngày 1/3.
Philippines đã đặt hàng 25 triệu liều vaccine của hãng Sinovac và theo kế hoạch nhận lô đầu tiên vào ngày 23/2. Tuy nhiên đã bị trì hoãn do giới chức Philippines mới cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine trên vào tuần này. Bên cạnh vacccine của Sinovac, Philippines cũng đặt hàng 10.000 liều vaccine của Sinopharm trong khi vaccine của AstraZeneca sẽ tới nước này vào tháng 3 tới.
Theo các nhà phân tích, chương trình tiêm chủng được xem là chìa khóa quan trọng để giúp quốc gia này khôi phục nền kinh tế, vốn sụt giảm 9,5% trong năm ngoái do các biện pháp phong tỏa gắt gao và kéo dài, ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng và khiến nhiều người thất nghiệp.
* Trong khi đó, Indonesia, vốn là một trong những ổ dịch COVID-19 lớn nhất châu Á, cho hay nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người dân trong khoảng 1 năm, sử dụng vaccine của các hãng Sinovac, Novavax và AstraZeneca.
Theo Bộ trưởng các vấn đề về hàng hải Luhut Binsar Pandjaitan, nước này sẽ tiếp nhận ít nhất 2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do công ty Sinofarm sản xuất để đưa vào chương trình tiêm chủng tư nhân bên cạnh chương trình tiêm chủng quốc gia.
Ông Binsar Pandjaitan cho biết vaccine của Sinopharm sẽ là một trong số vaccine được sử dụng cho chương trình tiêm vaccine tư nhân và nước này kỳ vọng sẽ nhận được nhiều nhất là 3 triệu liều để tiêm chủng cho người lao động theo giai đoạn.
Kế hoạch tiêm chủng tư nhân do các doanh nghiệp Indonesia khởi xướng như một phương thức để các công ty mua vaccine từ chính phủ. Do vậy, nhân viên của những doanh nghiệp này có thể được tiêm vaccine, qua đó góp sức việc khôi phục nền kinh tế. Được biết, hơn 6.600 doanh nghiệp Indonesia đã tham gia chương trình tiêm chủng này.