Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo do nhóm World Weather Attribution, tổ chức chuyên đánh giá mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu với các hình thái thời tiết cực đoan trên thế giới, công bố ngày 12/12.
Theo báo cáo, biến đổi khí hậu đã làm tăng 70% khả năng hình thành đồng thời 4 cơn bão mạnh quanh Philippines vào tháng trước, khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,3 độ C. Các nhà khoa học khẳng định rằng việc đại dương ấm lên đã góp phần đáng kể vào việc gia tăng cường độ và tần suất của các cơn bão trên toàn cầu, khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn.
Trong tháng 10 và tháng 11, Philippines đã phải liên tiếp hứng chịu 6 cơn bão nhiệt đới, một hiện tượng chưa từng có, khiến hàng trăm nghìn người phải sơ tán và hơn 170 người thiệt mạng. Sự gia tăng tần suất và cường độ bão đang dấy lên mối lo ngại rằng các hiện tượng này đang được đẩy nhanh nhờ nhiệt độ mặt nước biển ngày càng cao.
Nhà nghiên cứu thời tiết Ben Clarke tại Đại học Imperial College London (Anh), một trong những tác giả của báo cáo, lưu ý các cơn bão này có khả năng phát triển mạnh hơn và đạt cường độ cao hơn khi đổ bộ vào Philippines so với mức bình thường. Theo ông, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2,6 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, các điều kiện tương tự sẽ có khả năng xảy ra cao hơn 40% so với hiện nay.
Trước đó, một phân tích của các nhà nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận Climate Central (Mỹ) cho thấy nhiệt độ đại dương ấm lên đã làm tăng tốc độ gió tối đa của mọi cơn bão Đại Tây Dương trong năm 2024. Theo đó, nghiên cứu phát hiện ra rằng tốc độ cả 11 cơn bão của năm 2024 đều tăng thêm 14 - 45km/h trong giai đoạn nhiệt độ đại dương đạt mức cao chưa từng thấy vào mùa bão năm nay. Điều này phản ánh cách thức mà biến đổi khí hậu đang khuếch đại sức mạnh hủy diệt của các cơn bão.