Theo người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Karlo Nograles, ở mức cảnh báo cấp độ 2, một số doanh nghiệp và sự kiện tại các địa điểm trong không gian kín được phép hoạt động với tối đa 50% công suất và áp dụng với những người đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản, nhóm đối tượng dưới 18 tuổi và thậm chí cả những những người chưa tiêm chủng; đối với các cơ sở ngoài trời, công suất hoạt động tối đa là 70% với điều kiện tất cả những người tham gia đã tiêm đủ liều cơ bản.
Bộ Y tế Philippines cho biết, nước này đang chứng kiến số ca COVID-19 tăng mạnh khi ngày càng nhiều người dân ra ngoài tham gia các hoạt động tập trung đông người vào mùa lễ hội hiện nay. Ngày 29/12, Philippines ghi nhận 889 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 27/11 vừa qua. Hiện quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng hơn 2,8 triệu ca bệnh, trong đó hơn 51.200 ca tử vong. Đến nay, Philippines đã phát hiện 4 ca nhiễm biến thể Omicron, tất cả đều là các ca nhập cảnh.
Cũng như ở nhiều quốc gia khác, người dân Philippines chịu ảnh hưởng không nhỏ vì đại dịch. Để thúc đẩy sự phục hồi bền vững của đất nước sau dịch bệnh, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 30/12 đã ký thông qua dự toán ngân sách quốc gia gần 100 tỷ USD cho năm 2022. Tổng thống Duterte nêu rõ ngân sách này nhằm khuyến khích các biện pháp tập trung vào việc tăng cường khả năng phục hồi giữa lúc đại dịch vẫn phức tạp, duy trì động lực hướng tới phục hồi và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng. Theo ông Duterte, ngân sách 5.024 tỷ peso (khoảng 98,44 tỷ USD), cao hơn 10% so với năm 2021, sẽ ưu tiên đầu tư vào sức khỏe người dân bằng cách đảm bảo chương trình chăm sóc y tế phải chăng và dễ tiếp cận cho tất cả người dân Philippines.
Để đảm bảo hoạt động của hệ thống y tế hiện tại, Tổng thống Duterte cho biết 88,9 tỷ peso đã được phân bổ cho hoạt động của các cơ sở y tế cũng như mua sắm thuốc men và vaccine. Ông Duterte cho biết thêm, ngân sách năm 2022 cũng sẽ đáp ứng các yêu cầu kinh phí thiết yếu để bảo vệ và hỗ trợ những người lao động bị buộc thôi việc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ đó thúc đẩy phục hồi kinh tế xã hội.
* Indonesia đặt mục tiêu bắt đầu đưa vào sản xuất các loại vaccine ngừa COVID-19 do nước này tự nghiên cứu và phát triển mang tên "Merah Putih" (Đỏ Trắng) vào nửa cuối năm 2022.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người đứng đầu Cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm (BPOM) Penny Lukito ngày 29/12 cho biết vaccine "Merah Putih" do Đại học Airlangga và công ty PT. Biotis phát triển hiện đang được thử nghiệm lâm sàng. Trong khi đó, một ứng cử viên vaccine "Merah Putih" khác do Công ty dược phẩm nhà nước BioFarma và Đại học Baylor College Medicine (Mỹ) phát triển cũng được đặt mục tiêu bắt đầu đưa vào sản xuất trong nửa cuối năm 2022.
Bà Penny cho hay BPOM sẽ sớm cấp phép sử dụng khẩn cấp cho các loại vaccine dùng cho liều tiêm tăng cường. Hiện vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Zlifivax và CoronaVac do BioFarma đóng gói đang trong quá trình xét duyệt để tiêm tăng cường, trong khi vaccine của Sinopharm vừa nộp đơn đăng ký.
Mới đây, BPOM cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 3 loại thuốc điều trị bệnh nhân COVID-19 gồm Favipiravir, Remdesivir và Regdanvimab. Theo bà Penny, sau khi cấp phép sử dụng khẩn cấp, BPOM tiến hành giám sát thị trường để đảm bảo các loại vaccine và thuốc này được phân phối đúng cách, cũng như theo dõi tác dụng phụ.
Chính phủ Indonesia đã khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 vào ngày 13/1 năm nay với mục tiêu cung cấp vaccine cho hơn 208 triệu dân. Tính đến ngày 29/12 vừa qua, 159.269.210 người dân nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi, trong đó 112.595.665 người đã tiêm 2 mũi.
Chính phủ Indonesia cũng đã khởi động chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6-11 tuổi vào ngày 24/12 vừa qua, đồng thời đang có kế hoạch khởi động chương trình tiêm vaccine tăng cường trong tháng 1/2022.