Trước đó, ngày 15/11, hai nhà lãnh đạo Philippines và Nhật Bản đã có cuộc hội đàm song phương "hiệu quả và thành công" sau phiên bế mạc Hội nghị cấp cao Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 33 và các hội nghị liên quan tại Singapore.
Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo nêu rõ: "Cả hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề tồn đọng trên Biển Đông, trong đó Tổng thống Duterte nhấn mạnh cam kết của Philippines trong việc duy trì các nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và các hoạt động hợp pháp khác, thực hiện sự tự kiềm chế, cũng như giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình". Mặc dù Nhật Bản không phải một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng nước này luôn coi vùng biển này là một khu vực quan trọng cho thương mại của khu vực.
Cũng liên quan vấn đề Biển Đông, ngày 16/11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi ASEAN xúc tiến việc hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (COC) theo hướng có ý nghĩa và mang tính ràng buộc.
Cho đến nay, đa số các nước đối tác ASEAN đều khẳng định cùng chung tay nỗ lực tạo dựng môi trường thuận lợi cho đối thoại, hợp tác và xây dựng lòng tin, để Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, hợp tác và phát triển, trong đó có việc đàm phán COC phải đạt hiệu quả và thực chất dựa trên luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực cùng ASEAN hoàn tất Bộ quy tắc COC trong vòng 3 năm tới, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp cho hòa bình, ổn định, tự do an toàn, hàng hải và hàng không, tự do thương mại ở Biển Đông.