Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay phát biểu trong cuộc họp báo ở Manila ngày 12/7. Ảnh: EPA/TTXVN |
Ngày 15/7, phát biểu tại Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) diễn ở thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay khẳng định nước này tôn trọng phán quyết được Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở ở La Haye (Hà Lan) đưa ra hôm 12/7 về vấn đề Biển Đông, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.
Ngoại trưởng Perfecto Yasay cho biết Philippines nỗ lực vì giải pháp hòa bình và sẽ tiếp tục can dự cùng các bên liên quan nhằm làm giảm bớt căng thẳng trong khu vực. Ông Yasay tuyên bố: "Philippines sẽ tiếp tục tham gia với các bên liên quan để tìm ra các cách thức giảm căng thẳng khu vực và để xây dựng sự tin cậy và tin tưởng lớn hơn nữa. Theo đó, Philippines sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ cùng có lợi với tất cả các nước”.
Cùng này, luật sư đứng đầu của Chính phủ Philippines Jose Calida cho biết Manila sẽ không nhượng bộ Bắc Kinh trong bối cảnh Philippines theo đuổi việc thực hiện phán quyết của tòa trọng tài quốc tế bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông.
Ông Jose Calida nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao phán quyết của PCA và Philippines sẽ không nhượng bộ bất kỳ phán quyết nào của tòa dành cho chúng tôi”.
Cũng liên quan tới phán quyết của PCA về vấn đề Biển Đông, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao ASEM tại Mông Cổ giữa Thủ trướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản đã kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEM, Thủ tướng Abe cũng cho rằng Hội nghị ASEM lần này phải nêu ra vấn đề Triều Tiên và Biển Đông bên cạnh các vấn đề khác. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Theo phán quyết của PCA được công bố ngày 12/7, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn".
Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Mischief (Vành Khăn) hay bãi Thomas (Cỏ Mây). PCA cũng khẳng định thực thể Itu Aba (Ba Bình) thuộc quần đảo Trường Sa là "bãi đá", nên không có vùng đặc quyền kinh tế. PCA cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa.
Phán quyết của PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough (Hoàng Nham) trên Biển Đông. Theo PCA, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề.