Quyết định trên được nhà lãnh đạo Philippines đưa ra trong bối cảnh chính phủ nước này tin rằng đã kiểm soát được dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Tổng thống, ông Harry Roque, cho biết Tổng thống Duterte đã đồng ý với đề xuất của Bộ Lao động về việc mở rộng các miễn trừ trong lệnh cấm ra nước ngoài đối với những người đã có hợp đồng làm việc ở nước ngoài và đã hoàn tất giấy tờ, thủ tục tính tới ngày 31/8. Theo ông Roque, sẽ có 1.500 người được hưởng lợi từ quyết định mới trên của Tổng thống Duterte. Cho tới nay, chỉ những người có hợp đồng làm việc nước ngoài tính tới ngày 8/3 mới được phép xuất cảnh.
Các nhân viên y tế của Philippines thường có mặt ở tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện ở Mỹ, châu Âu, Trung Đông cũng như ở trong nước. Tháng 4 vừa qua, Chính phủ Philippines ban hành lệnh cấm các y tá, bác sĩ và các nhân viên y tế khác ra nước ngoài, cho rằng họ cần phải tham gia nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 trong nước.
Philippines vẫn đang phải tập trung ứng phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 đầu tiên. Hiện Philippines có số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á, với gần 286.743 ca, trong đó có 4.984 ca tử vong, chỉ đứng sau Indonesia. Tuy nhiên, ông Roque nhấn mạnh không có lý do phải hoảng sợ và Philippines đã kiểm soát được dịch thông qua các biện pháp cách ly, truy vết và điều trị.
Trong khi đó, tại Indonesia, cùng ngày, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 4.176 ca mắc, mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày. Tính tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã lên tới 248.852 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 124 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do dịch COVID-19 lên 9.677 người, cao nhất tại Đông Nam Á.
Tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến các nhóm tôn giáo và các chuyên gia lên tiếng hối thúc nhà chức trách nước này hoãn tổ chức cuộc bầu cử khu vực, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9/12 tới. Cuộc bầu cử này, nhằm bầu hàng trăm vị trí lãnh đạo địa phương chủ chốt, là một nhiệm vụ trọng tâm tại quốc đảo gồm hơn 260 triệu dân này, song đã bị trì hoãn một lần do đại dịch COVID-19.
Trong một bình luận trên truyền thông, cựu Phó Tổng thống Jusuf Kalla, hiện là người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ ở Indonesia, cảnh báo cuộc bầu cử vào tháng 12 tới có thể sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân. Các nhóm tôn giáo lớn nhất tại Indonesia như Nadhlatul Ulama và Muhammadiyah cũng hối thúc giới chức nước này hoãn cuộc bầu cử do gia tăng số ca mắc COVID-19.
Trong khi đó, người phát ngôn Tổng thống Fadjroel Rahman khẳng định cuộc bầu cử phải được tiến hành theo kế hoạch với các quy định y tế nghiêm ngặt. Ông nêu rõ: "Tổng thống Joko Widodo đã tái khẳng định rằng các cuộc bầu cử này không thể đợi cho tới khi đại dịch qua đi, bởi không có nước nào biết được khi nào đại dịch chấm dứt".
Về phía Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU), một người phát ngôn cho biết đã nhận được hai ý kiến đề xuất hoãn tổ chức các cuộc bầu cử khu vực sang năm tới và chính phủ vẫn giữ nguyên lập trường tổ chức bầu cử vào tháng 12.