Ngày 30/10, siêu bão Goni quét qua khu vực phía Nam đảo Luzon – hòn đảo lớn nhất và đông dân nhất tại Philippines. Trận bão lớn đã khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, gần 1 triệu người khác hứng chịu những hậu quả nặng nề do cơn bão gây đối với cơ sở hạ tầng và đất nông nghiệp. Hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy. Tổng chi phí thiệt hại đã vượt qua con số 200 triệu USD.
Chỉ sau đó chưa đầy nửa tháng, bão Vamco xuất hiện gây ra ngập lụt nghiêm trọng tại Manila. Vamco là cơn bão thứ 21 đổ bộ vào Philippines chỉ tính riêng trong năm nay.
Video bão Vamco gây ngập lụt thủ đô Manila (Philippines). Nguồn: The Guardian:
Bão ở Philippines ngày càng trở nên thường xuyên hơn, dữ dội hơn và khó lường hơn. Mặc dù vẫn có các yếu tố thời tiết phức tạp khác song giới khoa học chỉ tập trung vào các yếu tố liên quan đến khí hậu đang góp phần khiến nhữn cơn bão “quái vật” xuất hiện thường xuyên hơn.
Khoảng 1/4 cơn bão trên thế giới đã đổ bộ vào Philippines và mặc dù số lượng của chúng dự kiến sẽ không tăng trong những năm tới, nhưng do biến đổi khí hậu, chúng sẽ gây ra hậu quả nặng nề hơn và di chuyển theo hướng đi khó dự đoán.
Trong 10 năm tính từ năm 2006 đến 2016, đã có 99 cơn bão vào Philippines, trong số đó có 10 cơn bão đặc biệt gây ra thiệt hại lớn về người. Đáng chú ý nhất là cơn bão Haiyan đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 6.000 người vào năm 2013.
“Phần lớn các cơn bão đều mạnh lên, đặc biệt là trong quý cuối cùng của năm. Chúng tôi đang trải qua những cơn bão mạnh hơn trước đây và nguyên do là vì nhiệt độ bề mặt đại dương và bầu khí quyển ấm lên”, cô Esperanza Cayanan làm việc tại cơ quan khí tượng quốc gia Philippines PAGASA – lý giải. “Dự váo về tương lai của chúng tôi thực sự đáng sợ. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi phải nghĩ cách để bảo vệ mình khi đã biết những dự báo này”.
Nhiệt độ nước biển tăng lên là một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu. Điều kiện này giúp cung cấp thêm năng lượng cho các cơn bão nhiệt đới. Các vùng nước ấm hơn xuất hiện xung quanh Philippines đẩy nhanh quá trình hình thành bão. Bên cạnh đó, nhiệt độ toàn cầu tăng lên kéo theo khả năng giữ hơi nước của bầu khí quyển cũng tăng. Với mỗi lần nhiệt tăng 1 độ, không khí có thể chứa thêm khoảng 7% hơi nước. Điều này góp phần tạo ra những trận mưa lớn hơn trút xuống mặt đất trong đường đi của bão.
Phó Giáo sư William Holden, chuyên gia thuộc Khoa Địa lý và Chương trình Khoa học Môi trường của Đại học Calgary, cho biết: “Trong thế kỷ tới, các cơn bão lớn như siêu bão Haiyan sẽ trở nên thường xuyên hơn”.
Viễn cảnh này đặt ra rất nhiều thách thức lớn cho những cộng đồng dễ bị tổn hại trước các cơn bão lớn như Philippines. Khoảng 80% dân số Philippines sống cách bờ biển chưa đầy 50 km.
“Nước biển dâng cao sẽ khiến các hòn đảo bị xóa khỏi bản đồ. Nhìn vào Philippines, một quần đảo dễ xảy ra động đất và núi lửa phun trào, chúng tôi không còn tìm thấy nhiều nơi an toàn nữa”, chuyên gia Cayanan tại PAGASA cảnh báo.