Quốc gia Bắc Mỹ cho biết họ sẽ trả chi phí đem rác thải hồi hương, nhưng “Chính phủ Canada đang làm chậm lại quá trình”, Bộ Tài chính Philippines đưa ra tuyên bố mới nhất liên quan đến sự việc vào hôm 5/5.
Theo hãng tin AFP, Philippines đã đưa ra hạn chót 15/5 để Canada mang về 69 container rác “gửi nhầm” sang quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, Chính phủ Canada “thông báo sẽ phải mất vài tuần mới chuẩn bị được tài liệu nhập lại container rác thải”, ám chỉ có thể họ không thể thực hiện theo đúng hạn chót Philippines đề ra.
Trước đó, Trợ lý Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Canada Donald Bobiash đã gửi một bức thư từ ngày 24/4 xác nhận quốc gia này sẽ trả toàn bộ chi phí và “sắp xếp quá trình đem rác thải về”.
Từ năm 2013 đến 2014, Canada đã chuyển hơn 100 container rác thải gia đình, bao gồm các chai nhựa và túi nilon, giấy báo và tã giấy đã qua sử dụng tới Philippines. Quan chức nước này cho biết những thùng container được khai báo là vật liệu nhựa tái chế của một công ty tư nhân.
Năm 2016, một tòa án của Philippines đã lệnh chuyển các container rác về Canada. Một luật sư của vùng British Columbia, Canada, mới đây cũng nhận định rằng Canada đã vi phạm Công ước Basel, vốn ngăn cấm các nước đã phát triển chuyển rác thải độc hại hay nguy hiểm sang các nước đang phát triển - vốn đang loay hoay với vấn nạn rác trong nước - mà không được sự cho phép của nước nhận.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 23/4 cảnh báo nếu Canada không đưa hàng tấn rác thải trở về nước, ông sẽ "tuyên chiến" và chuyển ngược các container rác này sang Canada. Một người phát ngôn của tổng thống cho biết những lời nói của nhà lãnh đạo Philippine chỉ đơn thuần là thể hiện sự nóng giận.
Trước đây, những nước như Canada thường bán vật liệu tái chế sang Malaysia, Trung Quốc và Philippines, thì nay những nước này không muốn mua vật liệu tái chế nữa. Vật liệu tái chế "bẩn" đã trở thành mối quan ngại lớn khi đòi hỏi thêm việc phân loại và xử lý nếu những vật liệu được dán nhãn tái chế này không thực sự phù hợp trong quá trình chế biến.
Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước đi tiên phong trong ngăn chặn tình trạng nhập khẩu rác thải nhựa rắn.
Năm 2018, Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách ngừng nhận rác thải nhựa có thể tái chế từ các quốc gia phương Tây. Trong năm đầu tiên áp dụng hạn chế nhập khẩu mới này, số rác thải nhựa đến Trung Quốc đã giảm tới 99%.
Ngoài việc cấm nhập khẩu rác thải nhựa, Ấn Độ đặt mục tiêu đến năm 2022 nói không với nhựa dùng một lần. Liên minh châu Âu trong năm 2018 đã cấm một số vật dụng nhựa sử dụng một lần như ống hút, que bông ngoáy tai… Nhiều chuyên gia cho biết vấn đề thực sự nằm ở việc sản xuất quá nhiều đồ nhựa. Nhiều quốc gia trên thế giới đang theo chủ trương giảm sản xuất nhựa không cần thiết.