Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cho biết số vaccine này sẽ hỗ trợ rất lớn cho lực lượng nhân viên y tế ở tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19. Ông Duque bày tỏ sự tin tưởng tiến trình phục hồi của đất nước sau đại dịch nhờ chương trình tiêm chủng vaccine.
Ngày 1/3, Philippines đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng tại các bệnh viện ở thủ đô Manila, miền Trung và miền Nam, trong đó sử dụng vaccine của Sinovac (Trung Quốc).
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Philippines vào tháng 1/2020, đến nay dịch bệnh này đã lây lan cho 584.667 người và khiến 12.404 bệnh nhân tử vong. Trước Philippines, nhiều nước như Ghana, Cote d'Ivore, Việt Nam cũng đã tiếp nhận vaccine trong COVAX.
* Trong nỗ lực bổ sung nguồn vaccine ngừa COVID-19 đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước, Iraq đã ký thỏa thuận với Nga nhập khẩu 1 triệu liều vaccine Sputnik V.
Iraq ngày 2/3 đã bắt đầu tiêm chủng sử dụng vaccine của Trung Quốc, với đối tượng ưu tiên tiêm chủng là nhân viên y tế, người cao tuổi, và lực lượng an ninh. Tính đến ngày 4/3, Iraq ghi nhận tổng cộng 714.000 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 13.507 ca tử vong do COVID-19.
Hiện vaccine Sputnik V của Nga đã được phê chuẩn sử dụng tại 44 nước trên thế giới. EU và Mỹ chưa cấp phép sử dụng loại vaccine này.
* Liên quan đến việc Italy chặn một lô vaccine xuất khẩu của AstraZeneca, Australia ngày 5/3 đã yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) xem xét hành động của quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này, cho rằng sẽ làm chậm trễ chương trình tiêm chủng vaccine của Australia.
Australia đã đặt mua 53,8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca và đến nay mới chỉ nhận được 300.000 liều vaccine theo đơn đặt hàng. Theo kế hoạch, Australia tiếp tục nhập khẩu vaccine cho đến khi vaccine AstraZeneca được sản xuất ngay tại nước này. Hiện AstraZeneca chưa đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến vụ việc.
Việc Italy chặn các lô vaccine của AstraZeneca xuất khẩu được thực hiện theo quy định của EU để đảm bảo nguồn cung vaccine cho các nước thành viên của khối. Sau khi nhậm chức vào tháng trước, Thủ tướng Italy Mario Draghi bày tỏ ý kiến EU cần đẩy nhanh chương trình tiêm chủng và xử lý các công ty dược phẩm vi phạm thỏa thuận hợp đồng cung cấp vaccine cho EU.