Trả lời trong buổi họp báo, Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cho hay tnh từ đầu năm cho đến cuối tháng 7 vừa qua, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng 98% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 146.062 trường hợp và đã có 662 người tử vong do bệnh truyền nhiễm này. Bộ trưởng Duque đã ban bố tình trạng dịch bệnh sốt xuất huyết trên cả nước.
Mặc dù vậy, Philippines vẫn kiên quyết cấm sử dụng Dengvaxia, loại vaccine phòng chống sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới do hãng dược phẩm Sanofi của Pháp sản xuất.
Theo ông Duque, vaccine này không phù hợp với nhóm người dễ bị tổn thương nhất, gồm trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 9 tuổi.
Quan chức này nhấn mạnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo với Philippines rằng vaccine Dengvaxia "không được khuyến cáo" như là biện pháp ứng phó với đợt bùng phát dịch bệnh.
Hồi tháng 2 vừa qua, nước này đã ra lệnh cấm bán, nhập khẩu và phân phối vaccine Dengvaxia sau khi hàng chục trẻ em trong số hơn 700.000 người được tiêm vaccine từ năm 2016-2017 đã tử vong.
Theo WHO, vaccine Dengvaxia được 20 quốc gia cấp phép sử dụng và độ tuổi áp dụng loại vaccine này là từ 9 tuổi trở lên.
Trước đó, Bộ trưởng Duque cho biết Chính phủ Philippines đang xem xét yêu cầu cho phép hãng Sanofi phân phối trở lại vaccine Dengvaxia tại nước này, song ông loại trừ khả năng việc sử dụng vaccine Dengvaxia trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Hồi năm 2016, Philippines là quốc gia đầu tiên tiến hành tiêm vaccine Dengvaxia trong chương trình tiêm chủng trên diện rộng. Tuy nhiên, tranh cãi bùng phát sau khi hãng Sanofi hồi năm 2017 cảnh báo nguy cơ từ vaccine Dengvaxia. Theo đó, vaccine có tác dụng phòng chống bệnh hiệu quả đối với những người từng nhiễm virus sốt xuất huyết, song đối với những người từng mắc bệnh, việc tiêm vaccine có thể khiến bệnh diễn biến xấu hơn trong một số trường hợp. Tiết lộ này đã gây sự phẫn nộ tại Philippines và nhiều bậc phụ huynh cho rằng đây là nguyên nhân khiến hàng chục trẻ em tử vong sau khi tiêm phòng.
Sốt xuất huyết là loại virus do muỗi lan truyền phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh ảnh hưởng tới khoảng 390 triệu người tại trên 120 quốc gia trên toàn thế giới mỗi năm, trong đó 25.000 người thiệt mạng.