Phát biểu tại cuộc họp báo ở Manila ngày 12/4, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cusia cho biết: Manila đã được một sĩ quan cấp cao hải quân Mỹ thông báo phát hiện thấy tàu khảo sát nghi là của Trung Quốc tại bãi Scarborough vài tuần trước. Quân đội Philippines ra thực địa kiểm tra, nhưng không thấy có tàu nước ngoài nào hiện diện ở đây, có thể là do tàu Trung Quốc đã rút đi. Đại sứ Cusia quan ngại về động thái này, nói rằng đã yêu cầu Washington thuyết phục Bắc Kinh không có bước đi “đặc biệt khiêu khích” như vậy.
Đại sứ Jose Cusia phát biểu tại cuộc họp báo ngày 12/4. Ảnh: AP |
Phát hiện mới đây của Hải quân Mỹ về động thái của Trung Quốc ở Scarborough làm dấy lên mối quan ngại rằng Bắc Kinh có ý định biến bãi cạn này trở thành “đảo nhân tạo” kế tiếp. “Tôi cho rằng sẽ là rất khiêu khích nếu họ xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough… hành động này chỉ làm gia tăng căng thẳng và xung đột. Chúng tôi hy vọng Mỹ và các nước khác sẽ thuyết phục Trung Quốc không làm vậy”, Đại sứ Cusia nói, kèm theo đó là thừa nhận một mình Philippines không thể buộc Bắc Kinh thoái lui trong vấn đề này.
Liên quan đến tranh chấp ở Scarborough, ông Cusia tiết lộ từng tham gia vào nỗ lực của Bộ Ngoại giao Mỹ để kiến tạo ra thỏa thuận Trung Quốc - Philippines về chấm dứt căng thẳng tại khu vực này. Thỏa thuận có điều khoản hai nước rút các tàu quân sự, vũ trang khỏi bãi cạn để tránh khả năng đụng độ khi đối đầu giữa hai bên lên đến đỉnh điểm hồi năm 2012. Tuy nhiên, Trung Quốc không thực thi khi thỏa thuận khi không rút tàu, dù Philippines đã tuân thủ đầy đủ. Bắc Kinh giờ tuyên bố không hề tồn tại một văn bản nào như vậy và Philippines “đã bị lừa gạt”, Đại sứ Cuisia bình luận.
Quân đội Philippines tuần tra gần bãi cạn Scarborough. Ảnh: Navytimes |
Trung Quốc tuyên bố đã “hoàn thành” việc xây dựng 7 đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, làm nhiều nước trong khu vực quan ngại, buộc Mỹ và nhiều nước lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh ngừng ngay những hành động khiêu khích có thể dẫn đến đối đầu.
Hôm 11/4, Ngoại trưởng các nước Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) ra tuyên bố chung bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đe dọa, cưỡng ép hay gây hấn mang tính đơn phương nào có thể làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng, như là cách ngầm đề cập đến Trung Quốc. Ngoại trưởng G-7 cũng hối thúc tất cả các bên không tiến hành việc bồi đắp, xây “đảo nhân tạo”, nhất là ở quy mô lớn; không xây dựng các công trình, cấu trúc sử dụng cho mục đích quân sự, hành động phù hợp với luật pháp quốc tế. Riêng Washington nhiều lần khẳng định không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông, nhưng khẳng định việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này là “lợi ích quốc gia” của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Philippines ngày 12/4 ra thông báo hoàn toàn ủng hộ lập trường của Ngoại trưởng các nước G-7. Ở chiều ngược lại, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc chỉ trích lập trường của G-7, “hối thúc” các nước này tuân thủ các cam kết trung lập trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; hướng sự chú ý vào điều hành kinh tế toàn cầu, hợp tác ngăn cản đà suy giảm kinh tế thế giới…