Các nhà chiến lược Phố Wall đồng ý rằng sức khỏe nền kinh tế, dịch COVID-19 và tính khả thi của vaccine là những yếu tố đáng kể nhất với “quỹ đạo các thị trường”. Và cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden cũng gây ảnh hưởng nhất định.
Kênh CNN (Mỹ) dẫn nghiên cứu của ông Claudio Irigoyen và David Hauner tại Ngân hàng Mỹ: “Bầu cử Mỹ sẽ liên quan tới tình hình biến động hiện nay bởi vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn về tài chính, thuế, chính sách thương mại tùy thuộc vào kết của của cuộc bầu cử”.
Theo lịch sử, hoạt động của thị trường chứng khoán thường “im ắng” trước thềm bầu cử Mỹ và sẽ thay đổi khi có kết quả về người chiến thắng. Năm nay dự kiến xu hướng này vẫn duy trì.
Qua một số cuộc khảo sát quốc gia được công bố ngày 17/8, trong đó có khảo sát từ ABC News và tờ Washington Post, ứng cử viên đảng Dân chủ Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump.
Kênh CNBC (Mỹ) đã phỏng vấn các chuyên gia Phố Wall, nhà phân tích, cố vấn chính trị và luật sư về việc ngành tài chính chuẩn bị thế nào cho khả năng ông Biden giành chiến thắng trong tháng 11 tới.
Nhà đầu tư Michael Novogratz ngày 13/8 cho biết nhiều nhân vật tại Phố Wall đã bí mật cảnh báo khách hàng và bạn bè rằng thuế sẽ tăng, một số người ủng hộ tiền cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Biden trong khi những người khác tìm cách tạo mối quan hệ với những cá nhân thân cận của cựu Phó Tổng thống Mỹ.
Ông Biden từng nêu chủ trương tăng thuế doanh nghiệp từ mức 21% lên 28%. Ông Jonathan Hartley từng làm việc tại Goldman Sachs xác nhận rằng thuế cao luôn là vấn đề lo ngại thường trực tại Phố Wall.
Một số nhà phân tích thị trường cho rằng mức “hạ nhiệt” gần đâu trên thị trường có thể bắt nguồn từ việc ông Biden “nhỉnh” hơn Tổng thống Trump trong các cuộc khảo sát khiến các nhà đầu tư lo lắng về tương lai nền kinh tế trong viễn cảnh ứng cử viên đảng Dân chủ giành chiến thắng.
Nhưng trong khảo sát về vấn đề kinh tế, Tổng thống Trump vẫn dẫn trước ông Biden. Qua khảo sát của Wall Street Journal/NBC News được công bố gần đây, 54% người tham gia cho biết họ tin tưởng vào cách Tổng thống Trump xử lý kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp lớn phá sản và các cửa hàng đóng cửa trên đường phố Mỹ là bằng chứng cho “thương tích kinh tế” từ dịch COVID-19 sẽ kéo dài trong nhiều năm. Nhưng chuyên gia tại Goldman Sachs đánh giá doanh nghiệp Mỹ có “phục hồi đáng ngạc nhiên” khi chỉ còn 6% đơn vị kinh doanh nhỏ đóng cửa trong tháng 7. Họ đưa ra nguyên nhân là hỗ trợ của chính phủ.
Tuy vậy, 6% đơn vị kinh doanh nhỏ đóng cửa vẫn gây ảnh hưởng tới nền kinh tế khi bao gồm gần 3 triệu việc làm. Nhưng có bằng chứng cho thấy nhiều công ty nhỏ coi việc đóng cửa chỉ là tạm thời.
Nhưng những doanh nghiệp lớn lại có sức chống chịu không linh hoạt bằng. Tình trạng phá sản đã lên đến gần mức đỉnh điểm kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008. Goldman Sachs nhấn mạnh rằng tình trạng phá sản trong năm nay thường xảy ra với những công ty mất khả năng thanh toán, trước cả khi dịch COVID-19 xảy ra.