Phố Wall mở cửa năm mới 2012 trong không khí vô cùng phấn khởi vào phiên giao dịch 3/1, khi các chỉ số chứng khoán đều ghi nhận các mức tăng ấn tượng, nhờ một loạt các số liệu kinh tế tích cực từ Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng mạnh 179,82 điểm, tương đương 1,47%, đóng cửa ở mức 12.397, điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 19,46 điểm (1,55%), lên 1.277,06 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm tới 43,57 điểm (1,67%), lên 2.648,72 điểm.
Một phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Niu Oóc. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Một số chuyên gia phân tích thuộc công ty Charles Schwab cho biết mặc dù không giữ được mức tăng cao nhất trong ngày 3/1, song chứng khoán Mỹ cũng đã có một phiên tăng điểm tích cực. Báo cáo mới nhất của Viện quản lý nguồn cung Mỹ cho hay chỉ số sản xuất của nước này trong tháng 12/2011 tăng mạnh hơn dự kiến, lên tới 53,9 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 6/2011. Trong khi đó, chi tiêu xây dựng tại Mỹ trong tháng 11/2011 cũng tăng vọt lên mức cao nhất trong gần 18 tháng qua.
Các tập đoàn năng lượng dẫn đầu mức tăng, trong đó giá cổ phiếu của tập đoàn năng lượng BP của Anh tăng 3,3%, sau khi tập đoàn này đệ đơn kiện nhà thầu Halliburton nhằm đòi bồi thường các chi phí liên quan tới thảm họa tràn dầu năm 2010 ở Vịnh Mêhicô. Giá cổ phiếu của Tổng công ty năng lượng Chesapeake cũng tăng gần 6% sau khi tuyên bố thành lập một liên doanh với Total của Pháp để khai thác các mỏ khí đá phiến sét ở tiểu bang Ohio . Thông tin về việc tập đoàn dầu khí “khổng lồ” của Trung Quốc là Sinopec sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD vào tập đoàn năng lượng Devon Energy trong lĩnh vực khai thác khí đá phiến sét cũng giúp giá cổ phiếu của Devon Energy tăng 6,6 %.
Ngoài ra, các số liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc và Đức cũng góp phần “xoa dịu” tâm lý của giới đầu tư và đẩy các chỉ số chứng khoán Mỹ đi lên trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2012. Báo cáo mới đây của Chính phủ Trung Quốc đã chỉ ra rằng chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc trong tháng 12/2011 bất ngờ tăng mạnh trở lại ở mức 50,3 điểm, đúng vào mùa mua sắm. Cho thấy sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, giữa lúc nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc đang ở trong tình trạng bất ổn. Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) vừa thông báo rằng tiêu dùng cá nhân của Đức trong năm 2011 tăng ít nhất 1,2% so với năm 2010, đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, nhờ tình trạng việc làm được cải thiện đáng kể, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ công vẫn đang hoành hành tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Theo thống kế của DIHK, trong năm 2011, hơn 40 triệu người Đức đã giữ được việc làm của mình và khoảng 500.000 việc làm mới đã được tạo ra.
Cũng trong phiên giao dịch 3/1, “sắc xanh” tiếp tục tràn ngập các thị trường chứng khoán châu Âu sau những tín hiệu tích cực từ Phố Uôn. Tại Luân Đôn, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 2,29% lên 5.699,91 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp cũng nhích thêm 0,72%, lên 3.245,40 điểm. Tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX cũng tăng 1,5% lên 6.166,57 điểm.
Sang tới đầu phiên giao dịch ngày 4/1, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á cũng đều nối gót đà tăng điểm của các sàn chứng khoán hai bờ Đại Tây Dương và tiếp tục đi lên. Mở cửa phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản bắt đầu năm 2012 với mức tăng 94,19 điểm , tương đương 1,11%, lên 8.549,54 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Sheng của Hồng Công và Shanghai Composite của thượng Hải cũng lần lượt ghi thêm 16,27 điểm (0,09%) và 13,54 điểm (0,62%), lên 18.893, điểm và 2.212,96 điểm.
Minh Trang (Theo AFP)