Theo hãng tin AFP, ngày 17/7 đánh dấu mốc ngày thứ 100 của phong trào biểu tình tại Sri Lanka. Trước đó 2 tuần, hàng nghìn người biểu tình đã xông vào Dinh Tổng thống, buộc cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa rời khỏi dinh thự và nộp đơn xin từ chức vào ngày 14/7.
Người biểu tình cho rằng năng lực quản lý yếu kém của cựu lãnh đạo này là nguyên nhân gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính của Sri Lanka, khiến 22 triệu dân phải chịu đựng tình cảnh thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men kể từ cuối năm ngoái.
Chiến dịch lật đổ ông Rajapaksa được tổ chức chủ yếu thông qua các bài kêu gọi trên mạng xã hội như Facebook, Twitter, TikTok… đã thu hút được người dân trên khắp cả nước.
Ngày 9/4, cuộc biểu tình kéo dài 2 ngày nổ ra, với sự tham gia của hàng chục nghìn người dựng trại ngay trước văn phòng Tổng thống.
Theo Hiến pháp của Sri Lanka, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe được bổ nhiệm làm quyền tổng thống sau khi ông Rajapaksa từ chức và hiện là ứng viên dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu quốc hội bầu người kế nhiệm dự kiến tổ chức trong tuần này. Tuy nhiên, chính trị gia kỳ cựu này cũng bị những người biểu tình coi là đồng minh của gia tộc Rajapaksa với 4 anh em thống trị chính trường hòn đảo trong nhiều năm qua.
Nhà hoạt động truyền thông xã hội Prasad Welikumbura bày tỏ ông Wickremesinghe cũng nên từ bỏ. “Đã 100 ngày kể từ khi phong trào bùng nổ. Nhưng vẫn còn rất lâu chúng ta mới chứng kiến những sự thay đổi đáng kể trong hệ thống. #GoHomeRanil, #NotMyPresident (#Về nhà đi, Ranill. #Không phải Tổng thống của tôi", ông Welikumbura đăng tweet.
Hồi tháng 5, anh trai của cựu Tổng thống Rajapaksa là Mahinda đã từ chức thủ tướng và bổ nhiệm ông Wickremesinghe thay thế. Đây là nhiệm kỳ thứ 6 của Wickremesinghe với vai trò thủ tướng.
Động thái bổ nhiệm này đã không thể xoa dịu cơn giận dữ của những người biểu tình. Không chỉ đột nhập vào dinh tổng thống, những người biểu tình còn đốt cháy nhà riêng của Thủ tướng Wickremesinghe.
Đảng cầm quyền Sri Lanka Podujana Peramuna (SLPP) của cựu Tổng thống Rajapaksas – với trên 100 nghị sĩ trong 255 ghế thành viên Quốc hội – được cho là ủng hộ ông Wickremesinghe trong cuộc bỏ phiếu sắp tới.
Kể từ khi cựu Tổng thống Rajapaksa rời khỏi đất nước, quy mô đám đông biểu tình đã giảm bớt. Người biểu tình cũng đã rời khỏi ba tòa nhà chính phủ họ chiếm đóng trước đó – bao gồm dinh tổng thống, phủ thủ tướng và văn phòng thủ tướng.
Quyền Tổng thống Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại đảo quốc, ra lệnh cho quân đội và cảnh sát làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bảo trật tự. Các quan chức quốc phòng cho biết quân đội và cảnh sát sẽ được bổ sung tới thủ đô trong ngày 18/7 để tăng cường an ninh xung quanh tòa nhà quốc hội trước khi diễn ra bỏ phiếu.