Xuất phát từ Mỹ năm 2013, phong trào này đã lên đến cao trào hồi tháng 5/2020 sau vụ người Mỹ gốc Phi George Floyd (46 tuổi) tử vong do bị cảnh sát da trắng ghì cổ trong gần 9 phút ở Minneapolis. Sự việc đã "đổ thêm dầu" vào ngọn lửa biểu tình trên khắp nước Mỹ và lan ra nhiều nơi trên thế giới.
Nghị sĩ Petter Eide, người đề cử Black Lives Matter cho giải Nobel Hòa bình, cho biết: "Phong trào này đã trở thành một trong những phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhất với bất bình đẳng sắc tộc. Phong trào đã lan rộng ra nhiều nước, nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc đấu tranh chống bất công liên quan đến chủng tộc".
Theo quy định, hàng chục nghìn người, trong đó có nhiều nghị sĩ và bộ trưởng từ tất cả các nước, cả những người từng nhận giải thưởng Nobel và các học giả lỗi lạc, có thể đề cử các ứng cử viên cho nhiều giải Nobel khác nhau. Hạn chót là đến hết ngày 31/1.
Một số cái tên khác cũng được nêu ra cho giải Nobel Hòa bình như nhà sáng lập WikiLeaks gây tranh cãi Julian Assange hay cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump... Chủ nhân các giải Nobel sẽ được xướng tên từ đầu tháng 10 và lễ trao giải dự kiến diễn ra ngày 10/12.