Theo tờ Beijing News, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đã đổ xô đến các công ty xét nghiệm gien để lấy mẫu DNA của con cái. Sau đó, các bậc phụ huynh sẽ nhận được báo cáo phân tích cho biết đứa trẻ đó có điểm nào nổi bật trong hàng chục lĩnh vực – chẳng hạn chỉ số thông minh (IQ), chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ), âm nhạc, thể thao, khiêu vũ và tính cách…
Đối với phân tích IQ, các công ty xét nghiệm sẽ đưa ra những thước đo cụ thể cho hơn 10 đặc điểm như diễn đạt ngôn ngữ, đọc hiểu, trí tưởng tượng và suy luận logic của trẻ. Nhiều công ty xét nghiệm gien khẳng định các xét nghiệm này có độ chính xác lên tới 99,9%, dù vẫn chưa có bằng chứng khoa học xác định thước đo tài năng có chính xác hay không.
Tuy nhiên, các công ty này nhấn mạnh nhiều tài liệu khoa học đã xác nhận dịch vụ của họ, nhưng lại từ chối trình bày các nghiên cứu đó cho khách hàng với lý do đây là nghiên cứu nội bộ.
Cô Wu Jia – một bà mẹ ở Bắc Kinh, người tin tưởng vào các chương trình xét nghiệm gien - đã trả cho công ty có trụ sở tại Quảng Châu 2.000 nhân dân tệ (6,7 triệu đồng) vào đầu năm nay. Wu cho biết cô muốn xét nghiệm cho hai con gái song sinh để tìm ra tài năng thiên bẩm của các bé, dù hai bé gái này mới 7 tháng tuổi vào thời điểm tiến hành xét nghiệm.
Ngoài “báo cáo tư vấn phát triển trẻ em” dài 35 trang cho mỗi bé, cô Wu còn nhận được tư vấn trực tuyến từ một “giáo sư di truyền học”.
“Tôi quan tâm đến dịch vụ này vì tôi nghĩ nó sẽ giúp tôi định hướng giáo dục phù hợp cho các con”, cô Wu nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khẳng định các xét nghiệm này không thể khẳng định điều gì. Ông Huang Shangzhi, nhà nghiên cứu di truyền học tại Đại học Y Liên minh Bắc Kinh, cho biết không có bằng chứng nào chứng minh mối quan hệ giữa gien và tài năng của con người. “Xét nghiệm gien chủ yếu được sử dụng trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh”, vị học giả này cho hay.
Ông Hu Suwei, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Di truyền Y học Dương Châu ở Giang Tô, cũng đồng tình với quan điểm của ông Huang. “Không thể biết được tài năng bẩm sinh của một đứa trẻ thông qua xét nghiệm gien. Những dịch vụ xét nghiệm này chỉ là một trò lừa bịp”, ông Hu nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Giang Tô hồi năm 2020.
Chuyên gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Hiệp hội Luật Trung Quốc Chen Yinjiang khẳng định các công ty xét nghiệm đang dùng “mánh khoé quảng cáo khoa học” nhắm vào các bậc phụ huynh trong các chiến dịch tiếp thị. Ông nói: “Họ đang lợi dụng niềm tin của các bậc phụ huynh rằng con cái họ không thể thua ở vạch xuất phát. Đó là lý do tại sao họ tạo ra 'gien tài năng' trong các quảng cáo của mình”.
Xét nghiệm gien tài năng đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều chuyên gia đã chỉ trích mạnh mẽ phương pháp thiếu cơ sở khoa học này. “Về cơ bản, đây là trò bói toán được ngụy trang dưới lớp vỏ khoa học và công nghệ”, một người dùng mạng xã hội nhấn mạnh.
Một người khác nói: “Làm việc chăm chỉ và môi trường gia đình có tác động lớn nhất đến sự phát triển của mỗi con người. Những yếu tố này không thể được thể hiện trong các xét nghiệm đó”.