Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), Shabana Asthana, 25 tuổi, mua chiếc quần jean đầu tiên khi cô đang học đại học. Tuy nhiên, cô chỉ có thể mặc nó khi đến ký túc xá của trường đại học. Asthana thường kết hợp mặc quần jean với một chiếc khăn choàng và kurti, một loại trang phục truyền thống của Ấn Độ. Cô cảm thấy mình như được giải phóng.
Asthana sống tại một ngôi làng nhỏ ở bang Uttar Pradesh. Cô cho biết những người cao tuổi trong làng đều coi quần jean “là trang phục của phương Tây và không dành cho phụ nữ”. Thậm chí, nhiều cô gái và phụ nữ Ấn Độ sẽ bị miệt thị vì cho rằng họ đang cố gây sự chú ý bằng cách mặc trang phục nước ngoài ở một quốc gia có nền văn hóa gia trưởng.
Tháng trước, một thiếu nữ 17 tuổi đã bị chính ông nội và chú ruột hành hung đến chết vì quyết mặc quần jean trong một buổi cầu nguyện. Thi thể của Neha Paswan được tìm thấy trong tình trạng mắc trên một cây cầu bắc qua ngôi làng ở Deoria, bang Uttar Pradesh. Mẹ của Neha kể lại rằng con gái mình đã bắt đầu có xu hướng mặc quần jean sau một thời gian sống ở thành phố Ludhiana.
“Khi ông bà phản đối trang phục của con bé, Neha giải thích rằng quần jean được thiết kế để mặc và con bé quyết mặc nó,” mẹ của Neha chia sẻ.
Miệt thị trang phục là một trong những mối đe doạ mà phụ nữ và trẻ em gái ở Ấn Độ đang phải đối mặt. Nếu phản kháng, họ có khả năng bị những người đàn ông trong làng đánh đập đến chết, có thể là bạo lực gia đình, quấy rối của hồi môn, thậm chí phá thai hoặc tấn công acid.
Các cộng đồng ở Uttar Pradesh, bang lớn nhất của Ấn Độ với 200 triệu dân, đã gây xôn xao dư luận khi đưa ra quan điểm của họ về cách ăn mặc của người phương Tây, đặc biệt là quần jean. Vào năm 2015, cộng đồng làng Hồi giáo đã cấm các cô gái ở hơn 10 ngôi làng sử dụng điện thoại di động, mặc quần jean và áo phông, nhằm ngăn cản họ trò chuyện hoặc tỏ ra khiếm nhã với nam giới.
“Chúng tôi sống trong các ngôi làng chỉ có thể được phép sử dụng điện thoại di động, mặc quần jean và áo phông ở các thành phố, nhưng những điều này đều bị cấm khi về làng", người đứng đầu cộng đồng cho biết hồi năm 2016.
Vào tháng 3 năm nay, một ngôi làng ở quận Muzaffarnagar cũng đã cấm phụ nữ mặc quần jean và đàn ông mặc quần soóc, vì cho rằng đây là văn hóa phương Tây và “mọi người nên mặc quần áo truyền thống của Ấn Độ”.
Bà Renu Addlakha, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Phụ nữ ở New Delhi, cho biết không giống như trang phục truyền thống như shalwar kameez, “quần jean ôm sát cơ thể và thường để lộ các đường nét trên cơ thể phụ nữ”.
“Nó thường được kết hợp cùng áo ngắn, không giống như trang phục kurta dài của Ấn Độ và lộ rõ hình dáng của phụ nữ. Trong xã hội Ấn Độ, việc phụ nữ mặc trang phục như vậy được coi là thể hiện mình, cố gắng thu hút sự chú ý và bị xã hội gia trưởng coi là mối đe dọa quyền thống trị của nam giới”, bà nói.
Prarthana Thakur, một nhà hoạt động làm việc với Trung tâm Tài nguyên Nirantar về Giới và Giáo dục có trụ sở tại Delhi, cho biết phụ nữ Ấn Độ đang nỗ lực giành quyền tự quyết mặc gì theo ý mình.
“Khi một người phụ nữ mặc trang phục do mình tự lựa chọn, cô ấy đang thách thức một quan niệm sâu xa về xã hội coi phụ nữ chỉ mãi phụ thuộc vào nam giới, không có quyền tự quyết và lựa chọn”, cô nói.
Deepti Mishra, một thiếu nữ 17 tuổi sống tại một ngôi làng nhỏ ở phía đông bang Bihar, cho biết cô chỉ được mặc shalwar kameez trong làng của mình, ngay cả khi chơi thể thao.
“Cha mẹ tôi nói rằng nếu tôi mặc quần jean, tôi sẽ không lấy được chồng,” cô nói. “Tôi luôn ghen tị với những cô gái ở các thành phố lớn như Patna. Họ được tự do mặc đồ thể thao hoặc quần jean mà không bị chỉ trích”.
Quần jean ban đầu được thiết kế ở Mỹ như một loại quần áo bảo hộ cho người lao động trong các trang trại và hầm mỏ, trước khi trở thành một loại trang phục phổ biến. Nó đã từng là biểu tượng cho tuổi trẻ, sự phản kháng, tự do và cho chủ nghĩa cá nhân của mọi tầng lớp nhân dân ở phương Tây.
Tại Ấn Độ, nhiều phụ nữ muốn thể hiện sự tự do và độc lập đã kết hợp mặc quần jean với trang phục truyền thống, theo cách mà cộng đồng của họ chấp nhận được, như mặc quần jean với Kurti của Ấn Độ.