Anh Loewith ở Lynden, Ontario đã thụ tinh nhân tạo cho 107 con bò cái bằng tinh dịch bò đực với đặc điểm di truyền khí methane thấp.
Các nhà khoa học và chuyên gia ngành chăn nuôi gia súc đánh giá với hãng thông tấn Reuters (Anh) rằng sự xuất hiện của di truyền thương mại để tạo ra giống bò sữa thải ít khí methane hơn có thể giúp giảm một trong những nguồn phát sinh khí nhà kính lớn nhất. Chăn nuôi chiếm 14,5% lượng khí thải nhà kính trên thế giới. Đặc biệt methane là khí nhà kính lớn thứ hai sau carbon dioxide.
Semex, công ty di truyền học đã bán tinh dịch bò cho anh Loewith, khẳng định rằng việc áp dụng đặc điểm methane thấp có thể giảm lượng khí thải methane từ đàn bò sữa của Canada xuống 1,5% mỗi năm và lên tới 20% -30% vào năm 2050.
Semex bắt đầu tiếp thị tinh dịch có đặc tính methane ở 80 quốc gia vào mùa Xuân năm nay. Phó chủ tịch Semex - Drew Sloan cho biết đã có giao dịch tại Anh, Mỹ và Slovakia. Ông Michael Lohuis – phó chủ tịch nghiên cứu và cải tiến tại công ty Semex nói: “Đây chắc chắn không phải là công cụ duy nhất mà các nhà sản xuất sữa có thể sử dụng để giảm khí methane tại trang trại, nhưng nó có thể là phương pháp đơn giản nhất và chi phí thấp nhất".
Nhưng nhiều chuyên gia lo ngại hình thức này có thể phát sinh thêm vấn đề. Phó chủ tịch công ty sữa Valio (Phần Lan) Juha Nousiainen cảnh báo rằng việc chăn nuôi gia súc thải ít methane hơn có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa của chúng. Ông nhấn mạnh methane được tạo ra bởi các vi khuẩn trong ruột bò khi nó tiêu hóa chất xơ, chứ không phải bởi chính con vật đó.
Bộ nông nghiệp Canada trong khi đó nói rằng họ chưa kiểm định hệ thống đánh giá khí methane làm cơ sở cho sản phẩm nhưng việc giảm lượng khí thải từ chăn nuôi là “cực kỳ quan trọng”.
Giáo sư Frank Mitloehner tại Đại học California Davis (Mỹ) đánh giá nếu được áp dụng rộng rãi, việc chăn nuôi methane thấp có thể có "tác động sâu sắc" đến lượng khí thải bắt nguồn từ gia súc trên toàn cầu.
Theo giáo sư Frank Mitloehner, mặc dù nông dân có thể cho gia súc ăn các chất phụ gia để giảm sản sinh khí methane nhưng tác dụng của chúng sẽ mất đi khi gia súc ngừng ăn. Những chất phụ gia này cũng không được phép sử dụng ở Mỹ.
Chính phủ Canada hiện không khuyến khích chăn nuôi gia súc methane thấp, nhưng Bộ nông nghiệp cho biết Ottawa đang làm việc để đưa ra các khoản hỗ trợ giúp giảm methane thông qua xử lý phân tốt hơn.
Một số quốc gia và công ty thực phẩm đã bắt đầu khuyến khích nông dân chuyển sang chăn nuôi gia súc phát thải thấp hơn. New Zealand dự kiến bắt đầu đánh thuế liên quan đên methane từ gia súc vào năm 2025.
Trở lại trang trại của mình, Loewith háo hức muốn chờ đợi kết quả từ những con bê “thân thiện môi trường” sắp ra đời. Anh nói: "Nếu đó là thứ mà bạn cam kết từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì tác động sẽ đáng kể hơn”.