* Iran, Nga kịch liệt phản đối
Ngày 22/11, nhiều nước phương Tây đã đồng loạt mở rộng các biện pháp trừng phạt Iran nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Động thái trên diễn ra sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố báo cáo chứa đựng những lo ngại mới về chương trình hạt nhân của Iran.
Bên trong nhà máy điện hạt nhân ở Bushehr của Iran mà phương Tây vốn lo ngại Têhêran sử dụng vào việc sản xuất vũ khí hạt nhân. Ảnh: Internet |
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thông báo, Tổng thống Barack Obama đã lần đầu tiên ký lệnh trừng phạt nhằm vào ngành công nghiệp hóa dầu, đồng thời mở rộng các biện pháp trừng phạt sang các ngành sản xuất khí đốt, dầu mỏ của Iran. Bà Clinton cho biết, Mỹ sẽ trừng phạt các đối tượng giúp Iran sản xuất, khai thác dầu mỏ nhằm gây áp lực đáng kể lên chính quyền Iran cũng như các nguồn thu nhập của nước này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng cảnh báo, các thể chế tài chính trên toàn thế giới sẽ vướng phải những rủi ro nghiêm trọng nếu làm ăn với Iran.
Cùng ngày, Anh cũng đã tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran, trong đó có biện pháp ngăn chặn mọi mối liên hệ với các ngân hàng Iran. Kể từ 22 giờ ngày 21/11 (giờ Anh), mọi thể chế tài chính và tín dụng ở Anh phải ngừng các mối quan hệ làm ăn và giao dịch với tất cả các ngân hàng Iran, kể cả Ngân hàng Trung ương Iran cùng các chi nhánh của ngân hàng này. Đây là lần đầu tiên Anh cắt đứt toàn bộ mối quan hệ với ngành ngân hàng của một quốc gia.
Đồng quan điểm với Mỹ và Anh, Canađa cũng áp đặt thêm biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Canađa John Baird thông báo, Canađa cấm gần như tất cả các giao dịch tài chính với Iran, mở rộng danh sách hàng hóa bị cấm của Iran đồng thời bổ sung nhiều cá nhân, thực thể Iran vào danh sách bị trừng phạt.
Pháp cũng kêu gọi các đối tác quốc tế lập tức áp đặt lệnh phong tỏa đối với tài sản của Ngân hàng Trung ương Iran và cấm vận dầu mỏ.
Tối 22/11, hãng tin AFP (Pháp) dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết thêm, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét việc bổ sung 200 công ty và cá nhân Iran vào danh sách bị phong tỏa tài khoản và cấm nhập cảnh vào EU. Một nhà ngoại giao giấu tên còn cho hay, EU cũng có thể mở rộng lệnh trừng phạt sang các lĩnh vực và ngành công nghiệp khác của Iran, trong đó có ngành dầu mỏ. Theo kế hoạch, các biện pháp trừng phạt bổ sung này sẽ được thông báo tại cuộc gặp các ngoại trưởng EU diễn ra ở Brúcxen (Bỉ) ngày 1/12 tới.
Động thái trên của phương Tây đã ngay lập tức bị Iran kịch liệt phản đối. Ngày 22/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Anh và Canađa "đáng bị lên án và vô tác dụng", thể hiện thái độ thù địch của các nước này đối với người dân Iran.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố chỉ trích phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt Iran. Phóng viên TTXVN tại LB Nga dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định việc phương Tây không ngừng gia tăng các biện pháp trừng phạt Iran từ lâu đã vượt quá khuôn khổ của việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho chương trình hạt nhân của nước này.
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào các công ty và một số quan chức Iran là không thể chấp nhận được và đi ngược lại luật pháp quốc tế, đồng thời làm phức tạp thêm tình hình, cản trở các nỗ lực nhằm tiến hành cuộc đối thoại xây dựng với Têhêran. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, con đường duy nhất để giải quyết mọi vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran là tạo điều kiện thuận lợi để nối lại cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh cùng với Đức).
Trước đó, ngày 18/11, IAEA đã có một báo cáo bày tỏ mối lo ngại sâu sắc và ngày càng gia tăng về chương trình hạt nhân của Iran đồng thời nhấn mạnh "điều quan trọng là Iran và IAEA phải tăng cường đối thoại".
Thùy Dương