Liên minh châu Âu (EU) và các nước thuộc Nhóm có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đang tìm cách truy vết hoạt động mua bán kim cương Nga vào khu vực và muốn đưa ra một hệ thống truy vết không lỗ hổng nhằm hạn chế các hoạt động này.
Theo hãng tin Bloomberg, tính đến thời điểm hiện tại, hoạt động mua bán kim cương của Nga vẫn né tránh được các lệnh trừng phạt từ Mỹ và đồng minh do sự phản đối của các nhà nhập khẩu đá quý lớn bao gồm Bỉ - quốc gia sở hữu trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới Antwerp. Brussels đã nhiều lần ngăn chặn các kế hoạch cấm vận của EU, cảnh báo rằng động thái này có thể khiến hàng nghìn người mất việc.
Theo số liệu chính thức, khoảng 85% kim cương thô của thế giới phải đi qua Antwerp trên đường đến tay người tiêu dùng. Ước tính khoảng 10.000 người dựa vào hoạt động thương mại này để kiếm sống.
Chính quyền Bỉ cho rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mà không xây dựng một hệ thống truy vết toàn cầu sẽ là vô tác dụng, vì mặt hàng này có thể tham gia hoạt động mua bán nhờ các thị trường lớn mạnh khác như Ấn Độ, Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, việc theo dõi các loại kim cương chỉ dễ dàng từ khâu đầu của chuỗi cung ứng, bắt đầu với “kim cương máu” – hay còn gọi là đá quý dạng thô. Trong khi đó, những viên kim cương đã được cắt và đánh bóng sau đó chảy qua các thị trường khác và các cơ sở kinh doanh sẽ rất khó để truy vết.
Theo dữ liệu mới nhất, doanh số bán kim cương của Nga vào EU tiếp tục tăng sau khi Moskva bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
“Mặc dù chưa được công khai song các con số thể hiện Nga tăng mạnh xuất khẩu kim cương sang EU, trong đó có Antwerp, Bỉ”, chuyên gia kinh tế Rob Bates tiết lộ.
Theo báo cáo của Kimberley Process, xuất khẩu kim cương thô của Nga đã tăng từ 1,01 tỷ USD trong quý 1/2022 lên 1,11 tỷ USD trong quý 2 cùng năm. Không có dữ liệu trong quý 3 và quý 4, mặc dù các con số sơ bộ của quý 3 cũng cho thấy sự gia tăng về doanh số.
Từ ngày 24/2/2022 đến cuối tháng 6/2022, Bỉ đã nhập khẩu kim cương trị giá 872 triệu USD, bao gồm 831 triệu viên kim cương thô, 12 triệu viên dùng trong công nghiệp và 28 triệu viên kim cương đánh bóng (nhưng không được gắn kết). Ngành kinh doanh kim cương chiếm 5% doanh thu xuất khẩu của Bỉ và thu hút khoảng 30.000 việc làm tại đây.