Theo các nguồn tin ngoại giao, bất đồng giữa Mỹ và Nga về cuộc khủng hoảng Xyri khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày càng khó đạt được đồng thuận về cách thức chấm dứt bạo lực tại nước này. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi HĐBA có một tiếng nói chung để giúp quốc gia Trung Đông này khỏi "lún sâu hơn vào thảm họa".
Tại cuộc họp đặc biệt của HĐBA, diễn ra ngày 12/3 ở New York (Mỹ), bàn về các thách thức của làn sóng biểu tình tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi một năm qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng chính quyền Xyri "chịu phần lớn trách nhiệm", song đồng thời nhấn mạnh rằng các tay súng đối lập và cực đoan, trong đó có cả Al-Qaeda, đã gây ra các hành động bạo lực và khủng bố. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bác bỏ mọi so sánh tương đồng giữa cái mà bà gọi là "cỗ máy chiến tranh" của Tổng thống Xyri Bashar al-Assad với "những người dân thường bị bao vây đang tìm cách tự vệ". Theo Ngoại trưởng Nga, việc cần ưu tiên hiện nay là thảo luận một cách tiếp cận thực dụng và khả thi để đạt được ngừng bắn, từ đó tạo điều kiện cho các hỗ trợ nhân đạo, thay vì truy cứu trách nhiệm bên nào làm bùng phát bạo lực. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh HĐBA "không thể khoanh tay đừng nhìn", đồng thời yêu cầu chính quyền của Tổng thống Assad phải chấm dứt các hành động bạo lực ngay lập tức.
Chủ trì hội nghị, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh cuộc xung đột tại Xyri đã đẩy toàn bộ khu vực vào tình trạng bất ổn. TTK LHQ kêu gọi Tổng thống Assad sớm hành động theo các đề xuất của Đặc phái viên quốc tế Kofi Annan. Ông cũng kêu gọi HĐBA thống nhất quan điểm về chấm dứt bạo lực tại Xyri và ủng hộ sứ mệnh của ông Annan nhằm giúp Xyri thoát khỏi thảm họa. Trước đó, trong chuyến thăm Xyri, ông Annan đã đưa ra một gói đề xuất cụ thể nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng, tập trung vào các mục tiêu chính như ngừng ngay lập tức bạo lực, cho các tổ chức nhân đạo tiếp cận các điểm nóng và khởi động một cuộc đối thoại chính trị. Tổng thống Assad đã cam kết phản hồi về những đề xuất này trong ngày 13/3.
Cũng tại cuộc họp, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe đề nghị đưa lãnh đạo Xyri ra xét xử tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vì các hành đồng trấn áp người biểu tình. Xyri chưa tham gia hiệp ước thành lập ICC, vì vậy các công tố viên của tòa này không thể tiến hành điều tra cuộc xung đột tại Xyri, nơi LHQ ước tính hơn 7.500 người đã thiệt mạng vì bạo lực trong một năm qua.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông cho rằng tình hình tại Xyri rất phức tạp, không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nên cần các nỗ lực không ngừng. Ông cho biết Trung Quốc ủng hộ LHQ đóng vai trò hàng đầu điều phối các nỗ lực cứu hộ nhân đạo, song nhấn mạnh: "Các lực lượng bên ngoài không được can thiệp vào Xyri bằng vũ lực hoặc thúc đẩy sự thay đổi chế độ".
Ngày 12/3, tại Ancara, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ (phải) đã có cuộc gặp với Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn Arập (AL) về Xyri Kofi Annan (trái) nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị tại Xyri. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tranh cãi giữa các nước lớn tại HĐBA đã khiến khả năng phá vỡ bế tắc tại hội đồng này càng trở nên xa vời. Nga và Trung Quốc đã hai lần phủ quyết các nghị quyết tại HĐBA được Mỹ và các nước châu Âu ủng hộ, trong đó lên án Tổng thống Assad trấn áp người biểu tình. Sau đó, Nga và AL đã nhất trí một kế hoạch được cho là sẽ dẫn tới một giải pháp cho cuộc xung đột Xyri. Kế hoạch bao gồm một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức, một điều khoản ngăn chặn sự can thiệp của bên ngoài, các đảm bảo về hỗ trợ nhân đạo, một cơ chế giám sát công bằng và ủng hộ sứ mệnh của cựu TTK Annan. Trong khuôn khổ sứ mệnh được LHQ và AL giao phó, sau khi kết thúc chuyến thăm Xyri hai ngày, ông Annan ngày 12/3 tới Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh cũ của Xyri - và thảo luận với Thủ tướng nước chủ nhà Recep Erdogan về hợp tác hỗ trợ nhân đạo cho Xyri. Dự kiến tại Ancara, ông Annan cũng sẽ gặp các nhân vật đối lập thuộc Hội đồng Dân tộc Xyri (SNC).
Cùng ngày, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Nassir Abdulaziz al-Nasser cho biết cơ quan gồm 193 thành viên này đã sẵn sàng hành động nếu HĐBA vẫn bế tắc về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng ở Xyri. Ông al-Nasser nhấn mạnh tình hình ở Xyri đã đến mức "kinh hoàng" và Đại hội đồng sẵn sàng có hành động tiếp theo.
TTXVN/Tin Tức