Trong nhiều cửa hàng sách ở Thủ đô Bắc Kinh, các nhân viên sẽ không ngần ngại giới thiệu cho khách hàng sách viết về lãnh đạo nước ngoài đáng đọc nhất: Tổng thống Vladimir Putin. Sách viết về ông Putin bán chạy như tôm tươi kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hơn bất kì một cuốn nào viết về chân dung các lãnh đạo quốc tế, kể cả đó là về Barack Obama, Margareth Thatcher hay Nelson Mandela. “Tiểu sử Putin – Người sinh ra để cho nước Nga” đã có mặt trong danh sách 10 cuốn bán chạy nhất.
Sách viết về Tổng thống Vladimir Putin được độc giả Trung Quốc rất quan tâm. Ảnh: Reuters |
Sự quyết đoán của Moskva và cá nhân Tổng thống Putin trong vấn đề Ukraine đã tạo ra sức hút đối với giới học giả và người dân Trung Quốc. Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cho biết, Trung Quốc là một trong số ít nước mà tỉ lệ ủng hộ ông Putin không ngừng tăng lên kể từ khi Moskva đối đầu với phương Tây trong vấn đề Ukraine: Từ 47% hồi đầu năm nay lên mức 66% tại thời điểm tháng 7/2014. Zhao Huasheng, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Nga - Trung tại Đại học Thượng Hải nhìn nhận: “Con người Putin rất ấn tượng, kể cả dưới khía cạnh một người đàn ông và một nhà lãnh đạo. Người Trung Quốc ngưỡng mộ Putin. Ông là người bảo vệ lợi ích của nước Nga. Hai nước có thể học hỏi lẫn nhau nhiều điều”. Thiếu tướng Wang Haiyun, cựu Tùy viên quân sự Trung Quốc tại Moskva cùng chia sẻ quan điểm này khi nói rằng “Putin là một nhà lãnh đạo kiên định và quyết đoán, người đã giành được chiến thắng trong một tình huống nguy hiểm… Những đặc điểm này thật đáng ca ngợi và đáng học tập”.
Sự ngưỡng mộ mà người dân Trung Quốc dành cho Putin diễn ra trong một bối cảnh mới, gắn với những thay đổi trong trật tự thế giới cũng như nền chính trị Trung Quốc. Giới phân tích nhận định, sau nhiều thập kỉ nghi ngờ lẫn nhau, thậm chí là có cả xung đột trên tuyến biên giới, Moskva và Bắc Kinh đang xích lại gần nhau để đối chọi lại với một cấu trúc an ninh do Mỹ thiết lập sau khi Liên Xô sụp đổ. Không những vậy, lãnh đạo hai nước đều không chấp nhận chủ nghĩa tự do thái quá theo kiểu phương Tây. Tổng thống Putin từng lên tiếng chỉ trích Mỹ và đồng minh châu Âu hậu thuẫn cho các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Gần nhất, Bắc Kinh cũng cáo buộc các chính quyền phương Tây là tác nhân gây bất ổn ở Hong Kong trong chiến dịch "Chiếm Trung tâm".
Hai nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc chia sẻ nhiều điểm chung về tính cách và quan điểm. Ảnh: Reuters |
Các vấn đề kinh tế chính trị và điểm tương đồng giữa hai nhà lãnh đạo cũng là một yếu tố đáng chú ý. Nga cần thị trường và dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc, nhất là khi phương Tây tăng cường cấm vận nhằm vào Moskva. Về phần mình, Trung Quốc xem Nga một nguồn cung cấp năng lượng thiết yếu, cũng như sự hậu thuẫn quan trọng về mặt ngoại giao. Cả ông Putin và ông Tập Cận Bình đều có nhiều đặc điểm chung: Hai người cùng một thế hệ lãnh đạo, cùng 61 tuổi, cùng theo đuổi chủ nghĩa dân tộc, cũng như quyết tâm chấn hưng, khẳng định vị thế cường quốc, không chấp nhận sự thống trị của phương Tây. Chủ tịch Tập Cận Bình coi quan hệ với người đứng đầu Điện Kremlin là một ưu tiên đặc biệt và cá nhân ông từng nói với nhà lãnh đạo Nga rằng “Tôi có ấn tượng rằng hai chúng ta cư xử với nhau như là những người bạn, với trái tim và khối óc rộng mở. Tính cách của chúng ta tương đồng nhau”.
HT (Theo WSJ)