Thông báo ngày 2/2 của Bộ Y tế Qatar nêu rõ các sản phẩm từ côn trùng không đáp ứng "những yêu cầu về quy định kỹ thuật đối với thực phẩm Halal". Thực phẩm Halal là những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển.
Theo Bộ Y tế Qatar, các quy định của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh "và quan điểm tôn giáo của các cơ quan có thẩm quyền" cấm "việc tiêu thụ côn trùng, hoặc protein và chất bổ sung chiết xuất từ loại động vật này".
Cơ quan chức năng Qatar cho biết thông báo trên được đưa ra sau khi "một số quốc gia phê duyệt việc sử dụng côn trùng trong sản xuất thực phẩm". Tháng trước, Ủy ban châu Âu cũng đã chấp thuận việc sử dụng ấu trùng của sâu bột (một loài bọ cánh cứng) và con dế trong chế biến thực phẩm.
Côn trùng được biết đến là loài giàu protein và có tác động thấp đến môi trường. Các thành phần chính của côn trùng là protein, chất béo và chất xơ. Việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm ngày càng phổ biến trong bối cảnh con người tìm kiếm các sản phẩm thay thế cho thịt và các loại thực phẩm khác nhằm giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Các thực phẩm từ côn trùng hiện đang được tiêu thụ rộng rãi với khoảng 1.000 loài được sử dụng trong các bữa ăn của khoảng 2 tỷ người tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. EU hiện đã phê duyệt 4 loại côn trùng là "thực phẩm mới", với yêu cầu tất cả các sản phẩm có chứa côn trùng phải được dán nhãn rõ ràng.