Trả lời phỏng vấn hãng CNN ngày 15/12, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani tuyên bố đã có một số tiến triển nhất định khi hai bên phá vỡ thế bế tắc để thiết lập kênh đối thoại. Ông nhấn mạnh Doha sẽ nghiên cứu và cân nhắc các yêu cầu cơ bản cũng như xem xét các giải pháp có thể bảo vệ nước này trước mọi cuộc khủng hoảng tiềm tàng. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Abdulrahman al-Thani tuyên bố Qatar không sẵn sàng thay đổi mối quan hệ của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã giúp Qatar đối phó với cuộc khủng hoảng kéo dài 2 năm rưỡi qua.
Trước đó, nhóm các nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đưa ra 13 yêu cầu căn bản để bình thường hóa quan hệ với Qatar, trong đó có chấm dứt sự hoạt động của kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar.
Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh có dấu hiệu vãn hồi sau khi Saudi Arabia gửi thư mời Qatar tới tham dự hội nghị lần thứ 40 của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra tại Ryadh vào ngày 10/12 vừa qua. Phái đoàn Qatar đã được nước chủ nhà Saudi Arabia đón tiếp nhiệt tình. Đây là dấu hiệu tích cực đầu tiên trong quan hệ song phương kể từ tháng 6/2017 khi Saudi Arabia và các đồng minh gồm UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực. Các nước Arab trên đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng cửa khẩu biên giới trên bộ, đóng cửa không phận đối với máy bay của Qatar, trục xuất công dân nước này. Tuy nhiên, chính quyền Doha luôn bác bỏ những cáo buộc trên.