Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Al Thani, hiện đang ở thăm Indonsia, phát biểu trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống nước chủ nhà Joko Widodo rằng căng thẳng hiện nay đang làm tổn hại tất cả các quốc gia liên quan.
Ông nêu rõ: "Qatar luôn sẵn sàng đối thoại để tìm ra giải pháp bởi không có người chiến thắng trong vấn đề này. Tất cả chúng ta đều là những người anh em, và tất cả chúng ta đang phải hứng chịu những tổn thất của cuộc khủng hoảng này".
Trong khi đó, Tổng thống Widodo không đề cập tới cuộc khủng hoảng vùng Vịnh trong buổi họp báo tại Bogor, bên ngoài thủ đô Jakarta, song trước đó đã kêu gọi tất cả các bên nên kiềm chế.
Trước đó ngày 17/10, trả lời phỏng vấn hãng CNBC, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani khẳng định các biện pháp của Saudi Arabia và 3 nước Arab khác trong cuộc xung đột với Qatar đã gây tổn hại cho cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu.
Theo Ngoại trưởng Qatar, việc đóng cửa biên giới trên bộ duy nhất của nước này cũng như phong tỏa đường hàng không đang gây "tổn hại đến nỗ lực của các nước trong cuộc chiến chống IS" tại Iraq và Syria. Có tới 90% số lương thực và thuốc men cung cấp cho Qarar là đi qua đường biên giới trên bộ. Theo ông, với quyết định phong tỏa đường, các máy bay Qatar hỗ trợ hậu cần cho lực lượng liên quân chỉ có một con đường duy nhất là bay về hướng Bắc, đến Iran. Trong khi các quân nhân Qatar tham gia hoạt động chống IS do Mỹ dẫn đầu hoặc làm việc với Hạm đội 5 của Mỹ đóng ở Bahrain đều đã bị trục xuất.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bùng phát từ đầu tháng 6 vừa qua khi những nước Arab này đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến vận tải với Qatar kèm cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố. Tuy nhiên, Chính phủ Qatar đã cực lực phủ nhận cáo buộc này.
Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa các quốc gia tại vùng Vịnh. Kuwait đang nỗ lực làm trung gian hòa giải, nhưng căng thẳng vẫn chưa có lối thoát do các bên không chịu thỏa hiệp hay nhượng bộ. Hồi tháng 8 vừa qua, Kuwait đã đưa ra sáng kiến tổ chức cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo của tất cả các quốc gia liên quan, song sáng kiến này đã không nhận được ủng hộ.