Qatar khẳng định duy trì quy chế thành viên GCC

Bất chấp xung đột với các nước láng giềng là thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Qatar không có ý định rút khỏi tổ chức khu vực này. 

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuyên bố ngày 16/12, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani khẳng định Doha vẫn tiếp tục duy trì quy chế thành viên trong GCC, hiện gồm 6 nước là Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UEA). 

Trước đó, Quốc vương Qatar đã không tới Saudi Arabia tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên GCC trong đầu tháng 12 này mặc dù được Quốc vương Saudi Arabia gửi lời mời. Thay vào đó, Qatar cử một đại diện cấp thấp hơn.

Sau hội nghị, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Jubeir khẳng định Qatar cần thực hiện các điều kiện của 4 nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ với Doha để có thể trở lại là thành viên chính thức của GCC.

Thành lập năm 1981, GCC là một liên minh kinh tế và chính trị giữa 6 nước trên. Tuy nhiên, quan hệ giữa các nước thành viên bắt đầu rạn nứt từ tháng 6/2017 - thời điểm 4 nước Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Bahrain áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar với cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trên, dẫn tới cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa các nước vùng Vịnh. Doha bác bỏ các cáo buộc và cho rằng các nước trên muốn xâm phạm chủ quyền của Qatar. Nhiều nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy, nhưng cho đến nay chưa mang lại kết quả.

Hồi đầu tháng 12, Qatar thông báo ý định rời khỏi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ ngày 1/1/2019 nhằm tập trung vào sản xuất khí đốt hóa lỏng.

Mặc dù khẳng định quyết định rút khỏi OPEC không mang động cơ chính trị, song động thái của Doha cũng phản ánh sự rạn nứt sâu sắc giữa nước này và các nước láng giềng vùng Vịnh kể từ tháng 6/2017 khi Saudi Arabia, UAE và một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. 

Qatar là một trong số những nước sản xuất dầu mỏ nhỏ nhất trong khối này, chỉ chiếm 2% tổng sản lượng OPEC, song là thành viên ảnh hưởng nhất trong thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), theo đó các nhà máy lớn của nước này sản xuất tổng cộng 77 triệu tấn LNG/năm - lớn nhất thế giới. Do đó, giới phân tích nhận định quyết định của Doha sẽ không gây tác động đáng kể đối với giá dầu.

Theo các nhà nghiên cứu thị trường năng lượng, động thái mới nhất của Qatar cho thấy quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh này đang tìm kiếm địa vị thống trị trong thị trường LNG toàn cầu.

Phương Hoa (TTXVN)
'Vượt mặt' Qatar, Australia trở thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng lớn nhất thế giới
'Vượt mặt' Qatar, Australia trở thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng lớn nhất thế giới

Tháng 11/2018, lần đầu tiên Australia đã vượt Qatar và trở thành nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN