Phát biểu với báo giới, người phát ngôn bộ trên Majed Al-Ansari nhận định cuộc bầu cử sẽ không gây ra tác động tiêu cực đối với tiến trình hòa giải.
Liên quan đến việc Israel cấm Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) hoạt động tại Israel và khu vực Đông Jerusalem, người phát ngôn Majed Al-Ansari cho biết chính quyền Qatar lên án quyết định này. Ông nhấn mạnh việc ngừng hỗ trợ cho UNRWA sẽ gây ra “những hậu quả tai hại”.
Nhiều nước tiếp tục phản ứng về động thái mới của Quốc hội Israel. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Pháp bày tỏ “rất lấy làm tiếc” về việc Israel thông qua lệnh cấm và tái khẳng định ủng hộ UNRWA. Tuyên bố cảnh báo việc thực thi luật này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với tình hình nhân đạo tại Gaza, vốn đang rất tồi tệ, cũng như với tất cả các vùng lãnh thổ của Palestine.
Về phần mình, Thủ tướng Ireland Simon Harris chỉ trích lệnh cấm của Israel đối với cơ quan điều phối gần như toàn bộ hoạt động viện trợ cho Gaza, đồng thời hối thúc Liên minh châu Âu (EU) xem xét lại quan hệ thương mại với Israel. Phát biểu trước khi gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu đắc cử Antonio Costa, ông Harris khẳng định không có giải pháp thay thế UNRWA và ông sẽ thảo luận với ông Costa về hành động liên quan đến vấn đề này.
Trước đó, UNRWA và các cơ quan nhân đạo khác đã cáo buộc chính quyền Israel hạn chế dòng viện trợ vào Gaza, nơi hiện gần như toàn bộ 2,4 triệu người dân của vùng lãnh thổ này đã phải di dời ít nhất một lần trong xung đột.
Bản thân cơ quan này đã phải chịu tổn thất nặng nề, với ít nhất 223 nhân viên thiệt mạng và 2/3 cơ sở của cơ quan này tại Gaza bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi xung đột nổ ra. Theo số liệu của Cơ quan y tế của vùng lãnh thổ do Hamas kiểm soát, cuộc tấn công của Israel đã khiến trên 43.000 người ở Gaza, phần lớn là thường dân, thiệt mạng.