Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Saqqara là một khu nghĩa trang lớn của người Ai Cập cổ đại, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là khu vực di sản thế giới.
Theo Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập, phát hiện mới nhất nói trên được nhóm của nhà Ai Cập học Zahi Hawass tìm thấy gần Kim tự tháp của Vua Teti, pharaoh đầu tiên của Vương triều thứ 6 thuộc giai đoạn Cựu Vương quốc.
Theo ông Hawass, hơn 50 quách quan tài bằng gỗ có niên đại từ thời Tân Vương quốc (thế kỷ 16 trước CN đến thế kỷ 11 trước CN) cũng đã được phát hiện trong các hầm địa táng sâu từ 10 - 12m. Những phát hiện này được coi là có thể "viết lại lịch sử" của khu nghĩa địa Saqqara, đặc biệt là lịch sử của thời kỳ Tân Vương quốc, vốn bắt đầu từ khoảng 3.000 năm trước.
Bên cạnh đó, nhóm khảo cổ còn phát hiện 22 hầm mộ khác, 1 quách bằng đá cùng nhiều cổ vật như thuyền gỗ, mặt nạ hay các đồ chơi của người Ai Cập cổ đại. Hiện các nhà khảo cổ vẫn đang tiếp tục công tác nghiên cứu và khai quật tại khu vực nghĩa trang Saqqara. Thời gian gần đây, công tác khai quật ở khu nghĩa địa này đã phát hiện nhiều quách có niên đại hơn 2.500 năm, cùng nhiều đồ tạo tác như xác ướp rắn, chim, bọ hung và các loài động vật khác.
Ai Cập đang cố gắng công khai những phát hiện khảo cổ học mới trong nỗ lực nhằm vực dậy ngành du lịch trọng điểm của quốc gia Bắc Phi này, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.