Nội dung trên được ông Jacek Siewiera phát biểu trên kênh truyền hình TVN24. Ông nhận định Ukraine sẽ không thể giành lại lãnh thổ từ Nga, ngay cả khi Kiev huy động thêm quân.
Do đó, vị quan chức An ninh Ba Lan cho biết: "Vào thời điểm này, mọi sự tham gia của quân đội Ba Lan vào Ukraine đều phải bị loại trừ. Vẫn còn quá ít nhân lực để giành lại các vùng lãnh thổ đã bị chiếm giữ như một phần của cuộc phản công".
Trước đó, vào ngày 25/11, tờ Le Monde của Pháp đưa tin rằng các nước châu Âu đã nối lại các cuộc thảo luận về khả năng triển khai quân đội hoặc máy bay chiến đấu từ các công ty quân sự tư nhân đến Ukraine. Điều này nằm trong dự liệu bởi vì có khả năng Mỹ có thể ngừng hỗ trợ Ukraine sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Theo báo cáo, các cuộc đàm phán này đã được nối lại sau khi Thủ tướng Anh Keir Starmer đến thăm Pháp vào ngày 11/11.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitriy Peskov cho biết sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Ukraine sẽ làm gia tăng nguy cơ gây ra những hậu quả cực kỳ tiêu cực, thậm chí có thể không thể đảo ngược.
Ngoài ra, theo Tờ The Kyiv Independent, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết sau cuộc gặp với lãnh đạo phe đối lập Đức Friedrich Merz vào ngày 9/12 rằng, Kiev "có thể xem xét" đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình nước ngoài trên lãnh thổ của mình nhưng chỉ sau khi nắm rõ về mốc thời gian gia nhập NATO.
Tổng thống Zelensky cũng cho biết ông có kế hoạch gọi điện cho Tổng thống Mỹ Joe Biden để thảo luận về lời mời Ukraine gia nhập NATO.
Theo các phương tiện truyền thông gần đây, Anh và Pháp đang xem xét việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine sau một lệnh ngừng bắn có thể xảy ra, với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cũng không loại trừ khả năng này.
Cũng theo một số báo cáo, quân đội châu Âu giám sát tình hình hòa bình thời hậu chiến ở Ukraine đã được đưa vào kế hoạch hòa bình của nhóm cố vấn thân cận với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.