Trong bài trả lời phỏng vấn báo Bild am Sonntag đăng tải ngày 17/7, Chủ tịch Klaus Muller của Cơ quan Mạng lưới Liên bang (GFNA), nhà điều hành năng lượng quốc gia của nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) này, cảnh báo rằng Đức hiện không có đủ dự trữ khí đốt.
Theo ông Klaus Muller, dự trữ khí đốt tự nhiên của Đức sẽ không đủ dùng qua mùa Đông năm nay, nếu không được mua bổ sung khí đốt từ Nga. Ông cảnh báo dù “các kho dự trữ khí đốt hiện đạt gần 65% công suất và hiện cũng cải thiện hơn so với mấy tuần trước”, song cần đó vẫn là không đủ để nước Đức đi qua mùa Đông nếu không có nguồn cung khí đốt của Nga.
Chủ tịch của GFNA cho biết tình hình hiện chủ yếu dự vào việc liệu hoạt động bảo trì tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) có hoàn tất đúng dự kiến vào ngày 21/7 tới hay không.
Khi được hỏi sẽ còn bao nhiêu lâu trước khi người tiêu dùng tại Đức phải chi trả mức giá năng lượng leo thang hơn nữa, trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga đứt gãy hoàn toàn, ông Muller nói rằng hiện chưa có quyết định nào được đưa ra. Tuy nhiên, quan chức cấp cao này cam đoan chưa có bất kỳ sự tăng giá nào trong tuần này, ngay cả khi hệ thống Dòng chảy phương Bắc 1 ngừng hoạt động. Theo ông Muller, điều này dường như là một tính hiệu cho thấy “các thị trường đã thích nghi với tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga”.
Truyền hình NTV dẫn phát biểu của ông Klaus Müller cho biết đến nay chưa thể khẳng định liệu Nga có ngừng cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sau khi hoàn tất công tác bảo trì hay không. Theo ông, trong trường hợp xấu nhất là Nga ngừng cung cấp khí đốt, một số kịch bản có thể xảy ra, trong đó có kịch bản Đức rơi vào tình trạng khẩn cấp về khí đốt. Các kịch bản này phụ thuộc vào một số yếu tố như việc thiết lập các cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG), khả năng và tốc độ tiết kiệm khí đốt...
Về vấn đề kéo dài thời hạn hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại tại Đức, ông Müller đánh giá vấn đề hiện tại của Đức là việc thiếu khí đốt, tức là thiếu nguồn cung cấp nhiệt. Khí đốt được sử dụng như một nguyên liệu thô trong công nghiệp, vì vậy các nhà máy điện hạt nhân không thể giúp giải quyết vấn đề này. Các nhà máy điện hạt nhân cũng không có thế mạnh về tạo ra nhiệt.
Theo tính toán của Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, mức dự trữ khí đốt hiện tại ở nước này đạt 63,2%. Nếu nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 không được đảm bảo, tình trạng thiếu khí đốt có thể sẽ không xảy ra ngay lập tức. Tuy nhiên, Đức không thể lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ở mức 90% vào tháng 11 tới như kế hoạch. Nếu không thể đạt được mức lưu trữ đó, nguy cơ thiếu hụt khí đốt trong mùa Đông hoàn toàn có thể xảy ra.
Các chuyên gia kinh tế Đức lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế trong trung hạn nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sau ngày 21/7. Nhà kinh tế trưởng Thomas Gitzel thuộc VP Bank cảnh báo nếu sau thời điểm này, Nga không tiếp tục cung cấp khí đốt, nền kinh tế Đức và châu Âu sẽ rơi vào suy thoái sâu.
Chủ tịch Muller dự báo nước Đức sẽ đối mặt với 2 mùa Đông khó khăn ở phía trước do nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khí đốt, song vào mùa Hè 2024, nước này sẽ độc lập với khí đốt của Nga.