Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong một tuyên bố, Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) cho biết giới chức EU và Mỹ đã lưu ý đến các đề xuất mà Nga đưa ra vào tuần trước liên quan đến quan điểm của Moskva về các thỏa thuận an ninh mới có thể có ở châu Âu. Hai bên nhấn mạnh tới mối quan hệ đối tác lâu dài của Mỹ và EU và chia sẻ các cam kết đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương và cùng giải quyết các thách thức an ninh chung. Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về an ninh châu Âu sẽ diễn ra với sự phối hợp và có sự tham gia của EU.
Ngoài ra, ông Borrell nêu rõ EU tin tưởng vào Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc bảo vệ lợi ích của mình trong các cuộc thảo luận với Nga về an ninh châu Âu. Theo ông, "mọi cuộc thảo luận thực sự về an ninh ở châu Âu đều phải dựa trên các cam kết và nghĩa vụ của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) và Liên hợp quốc, những trụ cột thực sự của cấu trúc an ninh EU, củng cố chúng và không dẫn đến sự suy yếu của họ. Một cuộc thảo luận như vậy phải mang tính bao trùm và phải tính đến mối quan tâm và lợi ích của tất cả các bên liên quan".
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo rằng các cuộc thảo luận đầu tiên giữa Nga-Mỹ và Nga-NATO về các đảm bảo an ninh mà Moskva yêu cầu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng xung quanh Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2022.
Ngày 17/12, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra 2 dự thảo văn kiện về đảm bảo pháp lý từ phía Mỹ và NATO đối với an ninh của Nga. Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi NATO bắt đầu đàm phán cụ thể nhằm cung cấp cho Nga đảm bảo an ninh lâu dài và chắc chắn. Ông nêu rõ Moskva cần đảm bảo pháp lý vì trước đó phương Tây đã không thực hiện lời hứa không mở rộng hiện diện về phía Đông.