Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), vị quan chức 47 tuổi làm việc cho Bộ Đại dương và Nghề cá Hàn Quốc, đã mất tích khỏi một con tàu của chính phủ, khi đang làm nhiệm vụ giám sát các tàu đánh cá hoạt động gần biên giới ngoài khơi bờ biển phía tây của đất nước, vào khoảng trưa hôm 21/9.
Các đồng nghiệp có mặt trên tàu cho hay họ chỉ tìm thấy giày của vị quan chức trên tàu và đã báo cáo sự việc cho lực lượng tuần duyên để thúc đẩy chiến dịch tìm kiếm khẩn cấp với khoảng 20 tàu và máy bay.
“Theo thông tin tình báo quân sự, vị quan chức rõ ràng đã được tìm thấy ở vùng biển Triều Tiên vào tối 22/9 và chúng tôi đang theo dõi manh mối này. Chúng tôi sẽ thực hiện các quy trình cần thiết, bao gồm điều tra việc người này đã mất tích như thế nào và xác minh vấn đề với phía Triều Tiên”, Bộ trên cho biết trong tuyên bố của mình.
Theo hãng thông tấn Yonhap, hiện không rõ quan chức Hàn Quốc được tìm thấy còn sống hay không, nhưng theo nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc, khả năng người đàn ông này còn sống.
“Chúng tôi đang đưa ra tất cả các giả thuyết về việc bằng cách nào ông này tới được đó. Hy vọng trong vài ngày tới vấn đề sẽ được làm sáng tỏ”, nguồn tin quân sự cho biết.
Nguồn tin tiết lộ thêm vào thời điểm quan chức Hàn Quốc mất tích, điều kiện thời tiết rất thuận lợi và một số tàu hải quân và cảnh sát biển khác cũng đang thực hiện các cuộc tuần tra gần đó, vì đây là mùa đánh bắt cua cao điểm.
Bộ không cho biết họ sẽ liên lạc với Triều Tiên bằng cách nào để xác minh thông tin về quan chức mất tích. Nguyên nhân là do các đường dây nóng và đường dây liên lạc liên Triều đã bị cắt đứt hồi tháng 6, sau khi Bình Nhưỡng ra tuyên bố “dừng toàn bộ” các kênh liên lạc với Seoul trước cáo buộc Hàn Quốc không thể ngăn cản hoạt động rải truyền đơn chống phá Triều Tiên.
Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc (UNC) do Mỹ đứng đầu hiện có một đường dây nóng liên lạc với quân đội Triều Tiên. Dù UNC từng cho biết cơ quan này cứ 2 lần/ngày kiểm tra hoạt động liên lạc, nhưng từ chối đưa ra lời bình luận về việc đường dây nóng còn hoạt động bình thường hay không sau khi quan hệ liên Triều trở nên căng thẳng.
Việc công dân Hàn Quốc đào tẩu sang Triều Tiên là một điều khá hiếm. Hai bên vẫn trong trạng thái chiến tranh vì chỉ ký hiệp định đình chiến năm 1953.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 23/9 kêu gọi Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế ủng hộ việc chấm dứt chiến tranh để các quốc gia láng giềng có thể chuyển sang “kỷ nguyên hòa giải và thịnh vượng”.
“Việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh thực sự sẽ mở ra cánh cửa cho tiến trình phi hạt nhân hóa và nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”, ông Moon Jae-in nói trong phát biểu được ghi hình gửi đến Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 23/9.
Mối quan hệ liên Triều vẫn đang ở mức thấp sau nhiều hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các hội nghị đều không tạo được bước đột phá trong các cuộc đàm phán bị đình trệ từ lâu về quan điểm phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ cấm vận.