Kênh truyền hình RTL-TBI của Bỉ ngày 29/10 đưa tin, Thủ tướng nước này Elio Di Rupo đã ra chỉ thị yêu cầu tất cả các bộ trưởng phải để lại điện thoại di động trong phòng riêng biệt khi nội các thảo luận các vấn đề cơ mật.Trong ảnh từ trái sang phải: Thủ tướng Italy Enrico Letta, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso, Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài Bỉ, một số quốc gia khác ở châu Âu cũng đưa ra quy định mới về sử dụng điện thoại đối với các quan chức. Theo đó, tất cả các quan chức cấp cao Pháp và Hà Lan buộc phải chuyển sang dùng điện thoại có hệ thống mã hóa thông tin, trong khi Đức thảo luận xây dựng phần mềm bảo vệ trên máy điện thoại di động của các quan chức giữ những chức vụ quan trọng.
Đây được xem là những biện pháp ứng phó trước mắt của chính phủ các nước châu Âu trong bối cảnh có nhiều nguồn tin cho biết Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã theo dõi và nghe lén hàng triệu cuộc đàm thoại của công dân cũng như các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu, khiến nhiều nước trên thế giới tức giận.
Báo chí châu Âu trích dẫn các thông tin trên từ những tiết lộ của cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, người đã lật tẩy chương trình do thám toàn cầu của chính phủ Mỹ và hiện đang phải tạm trú tại Nga một năm do bị Washington truy nã về tội phản quốc.
Ở cấp độ khu vực, Ủy ban châu Âu (EC) đang xúc tiến kế hoạch bảo vệ thông tin cá nhân cho tất cả các công dân EU. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tiến hành thảo luận với Mỹ vào tháng tới về bộ luật không do thám trên lãnh thổ của nhau.
Trong khi đó, ngày 29/10, Cơ quan công tố Tây Ban Nha đã tiến hành điều tra sơ bộ thông tin từ báo "EL Mundo" của nước này cho rằng các cơ quan an ninh Mỹ đã nghe lén hàng chục triệu cuộc gọi điện thoại tại "Xứ sở Bò tót".
Người phát ngôn Văn phòng Công tố viên Nhà nước cho biết, cuộc điều tra nhằm xác định các cuộc nghe lén nói trên có mang dấu hiệu tội phạm hình sự hay không, ai là người chịu trách nhiệm về những hành vi này và liệu các tòa án Tây Ban Nha có đủ thẩm quyền điều tra.
Trước đó, ngày 28/10, báo "EL Mundo" đăng tải một tài liệu mật cho thấy các cơ quan an ninh của Mỹ đã theo dõi 60,5 triệu cuộc gọi tại Tây Ban Nha trong vòng một tháng, tính từ ngày 8/1. Việc theo dõi này được tiến hành trong khuôn khổ chương trình hoạt động gián điệp trên toàn cầu của các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã ghi lại các thông số cơ bản về lịch sử cuộc gọi như số máy gọi đi, số máy tiếp nhận và thời lượng cuộc gọi. Tuy nhiên hiện chưa biết NSA có ghi lại nội dung các cuộc gọi này hay không.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia Margallo cảnh báo, nếu việc Mỹ do thám các cuộc gọi thoại ở Tây Ban Nha là có thật, thì điều này sẽ phá vỡ bầu không khí tin cậy lẫn nhau vốn chi phối các mối quan hệ song phương. Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cũng đã triệu Đại sứ Mỹ để chất vấn về những cáo buộc nói trên, đồng thời yêu cầu Washington cung cấp mọi thông tin cần thiết liên quan đến cáo buộc nghe lén điện thoại.
TTXVN/Tin tức