Hãng tin AFP của Pháp dẫn lời bà Lynn Hastings, Phó Điều phối viên đặc biệt về Tiến trình Hòa bình Trung Đông và Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc về Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng cho biết: “Các điều kiện cần thiết để cung cấp viện trợ cho người dân Gaza không tồn tại”.
Theo bà Hastings, từ khi kết thúc lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày vào hôm 1/12, các lực lượng Israel đã tiến vào miền Nam Gaza, "đẩy hàng chục nghìn người... vào những không gian ngày càng bị nén chặt, tuyệt vọng tìm kiếm thức ăn, nước uống, nơi trú ẩn và sự an toàn".
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 4/12, bà Hastings nhấn mạnh: “Không nơi nào an toàn ở Gaza và không còn nơi nào để đi”
Đáng lưu ý, bà Hastings nhận định rằng: “Nếu có thể, một kịch bản thậm chí còn khủng khiếp hơn sắp xảy ra, một kịch bản trong đó các hoạt động nhân đạo có thể không thể ứng phó được”.
Theo bà Hastings, những gì chúng ta thấy hiện nay là những nơi trú ẩn không có năng lực, hệ thống y tế yếu kém, thiếu nước uống sạch, không có vệ sinh phù hợp và dinh dưỡng kém cho những người đã kiệt sức về tinh thần và thể chất. Đó chính là điều kiện hoàn hảo để dịch bệnh bùng phát, kéo theo thảm hoạ y tế cộng đồng.
Về phần mình, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi "một lệnh ngừng bắn nhân đạo lâu dài ở Gaza và thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin còn lại".
Trước đó vào ngày 28/11, hãng tin Reuters của Anh dẫn nhận định của người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris cho biết cuối cùng, người ta sẽ thấy số người chết vì bệnh tật ở Dải Gaza sẽ nhiều hơn số người thiệt mạng do hoạt động bắn phá nếu hệ thống y tế không thể kết nối được với nhau và không được cung cấp những thứ cơ bản của cuộc sống như thực phẩm, nước, thuốc men hay nhiên liệu để vận hành bệnh viện.
Theo bà Harris, do không có thuốc men, không được tiêm chủng cũng như không được tiếp cận với nước sạch, điều kiện vệ sinh tiêu chuẩn và không có thức ăn, cho nên, đã thấy rất nhiều trường hợp tiêu chảy ở trẻ sơ sinh.
Bà Harris mô tả sự sụp đổ của Bệnh viện Al-Shifa ở phía Bắc Gaza là một "thảm kịch", đồng thời bày tỏ lo ngại về việc lực lượng Israel bắt giữ một số nhân viên y tế của bệnh viện này trong một đoàn xe sơ tán của WHO.
Xem video những người Palestine bị thương được đưa vào bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis thuộc Nam Gaza. Nguồn: Reuters
Ngày 7/10, các tay súng thuộc phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine đã tràn qua biên giới Gaza và Israel, tấn công giết chết 1.200 người, chủ yếu là dân thường, bắt khoảng 240 người làm con tin.
Thoả thuận ngừng bắn đạt được giữa Israel và Hamas (có hiệu lực từ 7 giờ sáng 24/10 tới 7 giờ sáng 1/12) đã giúp 105 con tin, chủ yếu là người Israel trở về nhà và mang đến tự do cho 240 tù nhân người Palestine. Theo phía Israel, hiện nay vẫn còn 136 con tin bị giam giữ ở Dải Gaza.
Sau khi thoả thuận ngừng bắn đổ vỡ, quân đội Israel đã tăng cường hoạt động quân sự ở miền Nam Gaza. Động thái này được đánh giá như một phần của chiến thuật "đánh để đàm" mà Israel đã áp dụng để làm xuất hiện đề nghị ngừng bắn, làm tiền đề cho thoả thuận ngừng bắn đầu tiên giữa nước này và Hamas.
Đối với Palestine, theo cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành, hoạt động bắn phá trả đũa của Israel tới nay dã khiến gần 16.000 người chết và khoảng 70% trong số đó là phụ nữ cùng trẻ em. Ngoài ra, xung đột còn làm hơn 41.000 người dân Gaza bị thương cũng như nhiều người được cho là đã chết trong đống đổ nát.