Theo hãng tin Reuters ngày 20/10, Mỹ đã liên lạc với đại diện của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để trấn an họ về biện pháp áp giá trần dầu Nga, khẳng định biện pháp này sẽ không nhắm vào các nhà sản xuất dầu khác.
Các bình luận trên có thể giúp xoa dịu cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu hàng đầu tại OPEC. Mỹ cho rằng Saudi Arabia đã hợp tác với Nga để cắt giảm sản lượng dầu cho toàn đang có nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Căng thẳng đã âm ỉ giữa các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu như Mỹ và các quốc gia sản xuất dầu về chính sách sản lượng. Các nguồn tin nói với hãng tin Reuters rằng OPEC tức giận về kế hoạch áp trần giá dầu Nga là một trong những lý do khiến tổ chức này quyết định cắt giảm sản lượng.
Tuần trước, OPEC và đối tác (OPEC+) đã thông báo sẽ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày để cân bằng thị trường và dập tắt tình trạng biến động.
Saudi Arabia cho biết mức giảm thực sự có thể sẽ là khoảng 1 triệu thùng/ngày do một số thành viên OPEC đã không sản xuất đủ mục tiêu sản lượng hiện có.
Theo Nhà Trắng, phân tích của Mỹ cho thấy lẽ ra OPEC+ đã đợi đến cuộc họp tiếp theo diễn ra sau bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ mới quyết định cắt giảm sản lượng dầu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo, các quan chức OPEC nói rằng động thái của mình không liên quan tới biện pháp áp giá trần dầu Nga.
Tuần trước, Mỹ nhận định cắt giảm sản lượng sẽ làm tăng doanh thu của Nga và cho rằng động thái cắt giảm này có lý do chính trị từ phía Saudi Arabia. Saudi Arabia đã phủ nhận mình đang hỗ trợ Nga.
Biện pháp áp trần giá dầu sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12 để giảm nguồn thu của Nga và sẽ không áp với các nhà sản xuất khác.
Các biện pháp trừng phạt mới cũng không phải là dấu hiệu cho thấy bên mua muốn đối phó với ảnh hưởng chính sách của OPEC với thị trường dầu.
Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu đã làm tăng giá và có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.
Trong khi đó, ông Wally Adeyemo nhận thấy dường như động thái cắt giảm sản lượng không có ảnh hưởng. Ông cho rằng có thể phải cần một đợt tăng giá từ 30- 40 USD/thùng hoặc hoặc sản lượng cắt giảm gấp 10 lần mức cắt giảm thực tế hiện nay thì mới có thể gây suy thoái.
Các nước G7 muốn tước doanh thu từ dầu của Nga nhưng muốn tìm cách tránh cú sốc nguồn cung toàn cầu vì nó có thể làm tăng giá và ảnh hưởng đến chính người dân nước mình, nhất là khi lo ngại suy thoái toàn cầu ngày càng gia tăng.
Sau khi các quốc gia G7 nhất trí vào tháng 9, kế hoạch áp giá trần dầu Nga có thể xung đột với các lệnh cấm dầu Nga nghiêm ngặt hơn nhiều mà Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn vào tháng 6.
EU đã nhất trí với biện pháp áp giá trần dầu Nga trong tháng này nhưng các chi tiết quy định vẫn chưa hoàn thiện, khiến ngành dầu mỏ thêm lo lắng về kế hoạch này khi mà chỉ còn sáu tuần nữa là có hiệu lực.
Trong khi đó, ngày 16/10, Tổng Thư ký OPEC, ông Haitham al-Ghais nhận định rằng thị trường dầu mỏ đang trải qua một giai đoạn biến động mạnh. Theo ông, mục tiêu của OPEC và các nhà sản xuất bên ngoài tổ chức này là duy trì ổn định thị trường. Tổng Thư ký OPEC đã nhiều lần bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ của OPEC+. Ông khẳng định động thái đó sẽ giúp OPEC+ đảm bảo nguồn cung để đối phó với với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.
Trong dự báo của mình cách đây vài ngày, OPEC cho rằng nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng thêm 2,64 triệu thùng/ngày trong năm nay, tức giảm 460.000 thùng so với dự báo công bố hồi tháng 9. OPEC cũng hạ mức tăng trưởng nhu cầu của thế giới trong năm 2023 xét trên những đánh giá triển vọng khó đoán định về kinh tế thế giới, trong bối cảnh có nhiều nền kinh tế lớn đã rơi vào suy thoái.