Ngày 23/6, ông Kartapolov nói với RIA Novosti rằng bất kỳ thay đổi đối với các quy tắc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ phụ thuộc vào tình hình quân sự và chính trị quốc tế.
“Học thuyết này cho thấy phản ứng của Nga đối với những vấn đề đang diễn ra xung quanh đất nước chúng ta. Nếu thấy rằng các thách thức và mối đe dọa gia tăng, chúng ta có thể phải sửa đổi một số điều trong học thuyết, về thời gian và về việc đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Kartapolov nói.
Tuy nhiên, ông Kartapolov nhấn mạnh "còn quá sớm" để nói về bất kỳ sửa đổi cụ thể nào .
Học thuyết hiện tại của Nga nêu rõ vũ khí hạt nhân chỉ có thể được sử dụng nếu đất nước bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc nếu phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ chiến tranh thông thường.
Hôm 20/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moskva đang cân nhắc thay đổi học thuyết hạt nhân của đất nước. Nhà lãnh đạo Nga giải thích rằng lý do là vì phương Tây đang nỗ lực “hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân”, bao gồm cả việc phát triển các thiết bị hạt nhân có công suất cực thấp.
Tổng thống Nga cũng nói rằng cộng đồng chuyên gia phương Tây đang đưa ra ý tưởng rằng loại vũ khí này có thể được sử dụng và “không có gì đặc biệt khủng khiếp về điều đó”, đồng thời nói thêm Nga “cần lưu tâm đến điều này”.
Ông Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi không cần khả năng tấn công trước, vì đòn đáp trả của chúng tôi chắc chắn sẽ tiêu diệt bất kỳ kẻ tấn công nào”.
Tuần trước, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tiết lộ các thành viên của khối quân sự này đang thảo luận về việc có nên đặt nhiều vũ khí hạt nhân hơn ở chế độ sẵn sàng chiến đấu hay không, trong bối cảnh căng thẳng với Nga về vấn đề Ukraine.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO phải truyền đạt rõ ràng với thế giới bên ngoài rằng khối này có tiềm năng răn đe mạnh mẽ.