Theo đài RT (Nga), ông Medvedev đã đưa ra cảnh báo trên trước cuộc họp của giới chức cấp cao thuộc các quốc gia viện trợ quân sự cho Ukraine sắp diễn ra tại căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở Đức hôm 20/1. Cuộc họp này sẽ thảo luận về nỗ lực tăng cường viện trợ vũ khí, trong đó có xe tăng chủ lực, cho Ukraine.
Ông Medvedev chỉ trích các chính trị gia phương Tây khi tuyên bố rằng kịch bản khả thi duy nhất ở Ukraine là Nga thất bại.
“Không ai trong số đó nghĩ đến kết luận rằng thất bại của một cường quốc hạt nhân trong chiến tranh thông thường có thể khơi mào cho chiến tranh nguyên tử. Không cường quốc hạt nhân nào chịu thua trong những xung đột ảnh hưởng đến sự tồn vong của họ. Điều này là dễ hiểu”, ông nói.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nằm trong số những chính trị gia ủng hộ gửi thêm nhiều vũ khí cho Kiev. Ông tuyên bố trong tuần này rằng “sự thất bại của Ukraine có thể trở thành khúc dạo đầu cho Thế chiến thứ 3. Vì vậy, giờ đây không có lý do gì để ngăn cản sự ủng hộ dành cho Kiev và trì hoãn các vấn đề vô thời hạn”.
Một số nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho rằng họ muốn tránh kịch bản leo thang hạt nhân bằng cách hạn chế can dự vào cuộc xung đột Ukraine. Họ cũng đã cảnh báo Moskva về việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Ukraine, nói rằng đây được coi là hành động khiêu khích lớn.
Điện Kremlin sau đó khẳng định những phát biểu của ông Medvedev phù hợp với học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga. Học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng loại vũ khí tối thượng này để trả đũa một cuộc tấn công chống lại Nga hoặc các đồng minh bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc trong một cuộc xung đột thông thường khiến đất nước này gặp rủi ro đáng kể.
Moskva cũng coi tình hình ở Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ và các đồng minh tiến hành chống lại nước này. Các quan chức cấp cao của Nga đánh giá mục tiêu của phương Tây là làm tổn thương Nga nhiều nhất có thể. Đó là lý do tại sao họ đang kéo dài chiến sự bằng cách trang bị vũ khí cho Kiev và ngăn cản nước này theo đuổi giải pháp đàm phán hoà bình.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng thế giới cần phản ứng nhanh hơn trước các thách thức, bao gồm chiến dịch quân sự của Nga, và điều này liên quan đến việc thực hiện nhanh chóng công thức hòa bình của Kiev.
“Thế giới không nên chần chừ ngay cả bây giờ và sau này. Thế giới cần quyết tâm và hành động nhanh chóng”, ông Zelensky phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 18/1, kêu gọi thế giới nhanh chóng thực hiện công thức hòa bình gồm 10 điểm do Ukraine đề xuất.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleh Nikolenko cùng ngày cũng khẳng định Kiev đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với công thức hòa bình. Ông nói việc thực hiện công thức này sẽ giúp khôi phục hòa bình ở Ukraine và tạo ra các cơ chế ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga trong tương lai.