Theo đài RT, nhà ngoại giao cấp cao của Nga đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc phỏng vấn với đài RTVI hôm 7/2.
“Nga sẵn sàng thảo luận với bất kỳ quốc gia nào - Anh, Phần Lan hay Thụy Điển - nói chung là bất kỳ nước nào có mong muốn ngồi xuống và đối thoại bình thường về những biện pháp bình thường hóa tình hình và để giảm thiểu rủi ro”, ông Belyaev nhấn mạnh.
Ông Belyaev nói rõ rằng sẽ chẳng có ích lợi gì trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, nếu cuộc đàm phán chỉ đơn thuần là ngồi xuống và “phương Tây đọc, Nga nghe” những tuyên bố đã từng công khai trước công chúng.
Nhà ngoại giao Nga chỉ ra rằng các quốc gia phương Tây không có khả năng đàm phán bằng những biện pháp thực sự có ý nghĩa. Ông nhắc lại hậu quả của các vụ nổ làm hư hại nặng nề các đường ống Nord Stream vào tháng 9 năm ngoái. Ông Belyaev cho rằng phương Tây đã thể hiện “sự miễn cưỡng rất đáng ngờ” trong việc thực hiện một cuộc điều tra minh bạch, bất chấp việc Moskva nhiều lần kêu gọi điều tra chung về vụ việc.
“Tất cả các đề xuất của chúng tôi về các cuộc điều tra đều không có câu trả lời, hoặc câu trả lời là 'không'. Câu hỏi đặt ra là lý do gì khiến họ không muốn điều tra cùng chúng tôi?”, ông nói.
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xuống dốc trong một thời gian, nhưng căng thẳng đã leo thang từ tháng 2 năm ngoái, sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng Ukraine. Trước chiến dịch này, Moskva đã kêu gọi một thỏa thuận đảm bảo an ninh đa phương, toàn diện, nhưng Washington đã thẳng thừng bác bỏ.
Đầu tháng này, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko nói rằng việc Mỹ tăng cường cung cấp vũ khí, bao gồm vũ khí tấn công, cho Ukraine khó có thể được xem là hành động kêu gọi hòa bình. Bà Matviyenko cáo buộc Mỹ không quan tâm đến việc chấm dứt cuộc xung đột này, thay vào đó chỉ quan tâm đến việc xung đột leo thang và kéo dài.
Bà Matviyenko nhấn mạnh Nga sẵn sàng đàm phán về tình hình ở Ukraine nếu chính quyền Kiev cũng thể hiện thiện chí thực sự đối với các cuộc đàm phán này.
“Lập trường của chúng tôi rõ ràng, dễ hiểu và minh bạch. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán, không hứa hẹn, không kèm theo điều kiện tiên quyết như Ukraine đang cố gắng đưa ra. Đàm phán là đàm phán. Tuy nhiên, liệu chính quyền Kiev có sẵn sàng đàm phán thực sự hay không, chúng tôi chưa thấy điều đó”, bà Matviyenko nói.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 30/1 nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị đàm phán hòa bình với Ukraine. Theo ông, cách duy nhất để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán là tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Kiev phải chấp nhận “thực tế mới về lãnh thổ”. Điều này có nghĩa là Ukraine phải công nhận 4 vùng mới sáp nhập Nga – gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia – thuộc lãnh thổ Nga.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công bố công thức hòa bình gồm 10 điểm, trong đó có yêu cầu Nga phải rút quân và ngừng các hành động thù địch tại Ukraine.