Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau hơn 40 năm cải cách và mở cửa, đóng góp hơn 30% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nhiều năm liên tiếp. Tuy nhiên, một số chính trị gia Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc "lấy đi" chuỗi công nghiệp của Mỹ và khiến nhiều người dân nước này mất việc làm.
Theo ông Lou, sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ bắt nguồn từ các vấn đề về cơ cấu của chính nước này. Ông Lou nhận định ngay từ những năm 1970, các trung tâm sản xuất và công nghiệp nặng như Pittsburgh và Detroit ở Mỹ đã trải qua suy thoái quy mô lớn, tăng trưởng kinh tế suy giảm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Trong những năm sau đó, các ngành sản xuất truyền thống của Mỹ đã có sự chuyển dịch ra nước ngoài trên quy mô lớn. Ông Lou cho rằng quá trình này là một tất yếu khách quan không liên quan đến Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Lou còn nhấn mạnh thêm rằng nguồn thu từ thuế của Mỹ tương đối thấp, do đó thâm hụt tài chính dài hạn phải được cân bằng bằng cách phát hành một lượng lớn trái phiếu. Khi tỷ lệ tiết kiệm thấp và đầu tư trong nước không đủ, thâm hụt thương mại sẽ phình to và dòng tiền sẽ chảy ồ ạt ra khỏi Mỹ. Ngoài ra, sự suy giảm của ngành sản xuất truyền thống ở Mỹ càng thêm trầm trọng do sự phát triển của ngành dịch vụ lấy tài chính làm trung tâm.
Ông Lou lưu ý thêm rằng chính quyền hiện tại của Mỹ đã tạo ra các rào cản bảo hộ với chính sách "Nước Mỹ trước tiên". Ông nhấn mạnh nếu tất cả các quốc gia đều đóng cửa và áp đặt chính sách phong tỏa, chủ nghĩa đa phương sẽ sụp đổ, qua đó đẩy thế giới vào hỗn loạn và khủng hoảng.
Ông Lou khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước khác để tham gia tích cực vào quá trình cải cách, xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu và cùng tìm kiếm một cấu trúc quản trị quốc tế công bằng và hợp lý hơn.