Người phát ngôn quân đội Sudan Nabil Abdalla xác nhận nhóm đàm phán của quân đội vẫn đang ở trong nước và các cuộc đàm phán hiện đang tạm dừng. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi truyền thông Sudan đưa tin về một thỏa thuận sắp đạt được giữa quân đội và RSF, trong đó sẽ bao gồm một lệnh ngừng bắn dài hạn.
Ngày 27/7 vừa qua, quân đội Sudan thông báo ngừng các cuộc đàm phán gián tiếp với RSF tại thành phố cảng Jeddah của Saudi Arabia. Quân đội Sudan nêu rõ sự khác biệt trong một số vấn đề quan trọng, bao gồm việc sơ tán người dân tại tất cả các khu vực của thủ đô, các cơ sở dịch vụ, bệnh viện và đường sá, đã cản trở việc đạt được thỏa thuận về chấm dứt thù địch. Do đó, phái đoàn quân đội đã quay về Sudan trong ngày 26/7 để tiến hành tham vấn. Tuy nhiên, quân đội Sudan nhấn mạnh sẵn sàng duy trì đối thoại để vượt qua trở ngại.
Xung đột giữa quân đội Sudan và RSF nổ ra từ giữa tháng 4 vừa qua đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nước này. Bộ Y tế Sudan cho biết xung đột đến nay đã khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và ít nhất 6.000 người bị thương. Theo Liên hợp quốc (LHQ), xung đột cũng khiến hơn 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Trước sức ép quốc tế và dưới sự trung gian của Mỹ và Saudi Arabia, quân đội Sudan và RSF đã tiến hành nhiều vòng đàm phán hòa bình tại Jeddah và đạt được một số lệnh ngừng bắn ngắn ngày, song xung đột vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, Phái bộ LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) ngày 2/8 cảnh báo cuộc khủng hoảng tại Sudan có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quốc gia láng giềng Nam Sudan.
Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ, đồng thời là người đứng đầu UNMISS, ông Nicholas Haysom nêu rõ LHQ đang quan ngại khủng hoảng tại Sudan làm trầm trọng hơn tình hình kinh tế và nhân đạo tại Nam Sudan. Theo đó, giá thực phẩm tại Nam Sudan bị đẩy lên cao, khiến những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể trang trải chi phí cho các nhu cầu cơ bản, trong khi việc giảm thương mại xuyên biên giới dẫn tới khan hiếm nguồn cung thực phẩm.
Theo ông Haysom, kinh tế Nam Sudan sẽ suy yếu nếu xảy ra một cuộc tấn công nhằm vào đường ống dẫn dầu của nước này. Đây là đường ống vận chuyển dầu từ Nam Sudan ra thị trường quốc tế thông qua cảng Sudan. Ông nhấn mạnh Nam Sudan hiện không thể hứng chịu thêm cú sốc mới.
Đặc phái viên LHQ kêu gọi khôi phục hòa bình tại Sudan sớm nhất có thể, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế hỗ trợ Nam Sudan ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.