Sự việc xảy ra sau khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống hôm 1/12 cho thấy ứng cử viên Adama Barrow giành chiến thắng trước Tổng thống đương nhiệm Yahya Jammeh. Tuy nhiên, Tổng thống Jammeh không công nhận kết quả bầu cử.
Theo ông, "các cuộc điều tra" cho thấy nhiều cử tri không thể bỏ phiếu, do đó Gambia cần tiến hành cuộc bầu cử mới. Ông cảnh báo sẽ không dung thứ cho bất kỳ cuộc biểu tình nào phản đối quyết định trên.
Trước các diễn biến trên, nguyên thủ quốc gia các nước Tây Phi đã bắt đầu tới thăm Gambia trong ngày 13/12 để cố gắng thuyết phục Tổng thống Yahya Jammeh chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua.
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thảo luận về việc Tổng thống Jammeh không chịu từ chức và kêu gọi tất cả các bên ở Gambia kiềm chế.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power nhận định tình hình tại quốc gia Tây Phi này đang trở nên "rất nguy hiểm" khi có một số tướng lĩnh đứng cùng phe với Tổng thống Jammeh sau khi ông từ chối từ chức.
Tổng thống Jammeh lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự năm 1994 và liên tiếp tái đắc cử vào các năm 2001, 2006 và 2011. Trước cuộc bầu cử lần này, ông Jammeh đã yêu cầu sửa đổi Hiến pháp nhằm bãi bỏ quy định hạn chế số nhiệm kỳ tổng thống.
Trong khi đó, ứng cử viên đối lập Barrow (51 tuổi), vốn là một doanh nhân, đã được chọn làm thủ lĩnh của một nhóm các đảng phái chính trị đối lập lần đầu liên minh và giành được sự ủng hộ chưa từng có. Ông cam kết phục hồi nền kinh tế Gambia, vốn đang trì trệ khiến hàng nghìn người dân chạy sang châu Âu tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ông cũng khẳng định sẽ rời khỏi cương vị lãnh đạo sau nhiệm kỳ 3 năm để thúc đẩy dân chủ tại quốc gia này. Những hành động của Tổng thống Jammeh được cho là có thể tiếp tục gây rối loạn tại quốc gia Tây Phi này, nơi người dân đang hy vọng một cuộc chuyển giao dân chủ hòa bình sau chiến thắng bất ngờ của ông Barrow - chấm dứt 22 năm cầm quyền của Tổng thống Jammeh.