Tờ Guardian, phối hợp với tổ chức phi lợi nhuận Forbidden Stories có trụ sở tại Paris (Pháp), tiết lộ rằng một số thành viên của lực lượng vũ trang Israel coi các nhà báo làm việc cho các cơ quan liên kết hoặc do Hamas kiểm soát là mục tiêu hợp pháp không được bảo vệ quốc tế giống như dân thường.
Ủy ban giám sát truyền thông để bảo vệ các nhà báo và phóng viên Arab về báo chí điều tra, báo cáo rằng khoảng 30% trong số 108 nhân viên truyền thông bị thiệt mạng kể từ ngày 7/10 năm ngoái ở Gaza là thuộc các cơ quan truyền thông liên kết hoặc có quan hệ chặt chẽ với Hamas.
Điều này bao gồm cơ quan truyền thông lớn nhất do Hamas điều hành ở Gaza, mạng lưới truyền thông Al-Aqsa, nơi tuyển dụng hàng trăm nhân viên từ các đài truyền hình, đài phát thanh và các tờ báo.
Bản báo cáo, do Harry Davies, Manisha Ganguly, David Pegg, Hoda Osman, Bethan McKernan và nhà báo kiêm đạo diễn phim người Israel từng đoạt giải thưởng Yuval Abraham biên soạn, đã lưu ý rằng trong khi "chương trình của Al-Aqsa rõ ràng là ủng hộ Hamas, chống Israel và đôi khi là bài Do Thái ... thì việc chỉ đơn giản là làm việc (cho cơ quan truyền thông) không có nghĩa là họ sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp để bị giết".
Janina Dill, Giáo sư tại Đại học Oxford và là chuyên gia về luật chiến tranh, nói: “Báo cáo tin tức không phải là tham gia trực tiếp vào chiến sự. Ngay cả khi họ đưa tin một cách thiên vị, ngay cả khi họ tuyên truyền cho Hamas, ngay cả khi Israel về cơ bản không đồng ý với cách họ đưa tin. Chừng đó là không đủ để nhắm mục tiêu vào họ".
Kể từ năm 2019, Israel đã chỉ định mạng lưới Al-Aqsa là một tổ chức khủng bố, gọi đây là “cánh tay tuyên truyền của Hamas và là nền tảng trung tâm để phát tán các thông điệp kích động của tổ chức khủng bố”.
Tập đoàn truyền thông này cũng bị Mỹ trừng phạt từ năm 2010.
Các văn phòng của Al-Aqsa, được sơ tán sau các cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 năm ngoái để tránh sự trả đũa của Israel, trước đó đã bị Israel ném bom vì cáo buộc sử dụng cho mục đích quân sự.
Báo cáo mới trình bày chi tiết cách binh lính Israel được phép “tiếp cận thoải mái” để nhắm mục tiêu, trong khi các phương tiện truyền thông liên kết với Hamas được thông báo rằng họ tồn tại trong “vùng xám” và một số người trong quân đội Israel giữ quan điểm rằng “bất kỳ ai được Hamas trả tiền” đều có thể được coi là mục tiêu hợp pháp.
Một phát ngôn viên của quân đội Israel đã bác bỏ cáo buộc của báo cáo, nói rằng mặc dù thông tin của họ (Al-Aqsa) "không nhắm mục tiêu vào các đối tượng dân sự", nhưng cơ quan này "thuê những kẻ khủng bố và tạo cho chúng vỏ bọc là nhà báo".
Người phát ngôn quân đội Israel trên thừa nhận họ đã giết chết 6 nhân viên Al-Aqsa, những người bị cáo buộc là thành viên của Hamas nhưng không cung cấp bằng chứng chứng minh cho tuyên bố này.
Các chuyên gia cảnh báo rằng cách tiếp cận này khiến Israel rơi vào “tình thế khó khăn” vì thường khó phân biệt được đâu là chiến binh và đâu là thường dân.
Nhiều tổ chức tự do báo chí bày tỏ lo ngại về nỗ lực của quân đội Israel trong việc "bịt miệng" các báo cáo chỉ trích. Irene Khan, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt, tuyên bố rằng Israel đã “truyền bá thông tin sai lệch về việc các nhà báo có liên quan đến Hamas” và không đưa ra được bằng chứng “chứng minh” cho những tuyên bố như vậy.