Tờ Times of Israel đưa tin, quân đội nước này cho biết tên lửa Iran đã rơi trúng tòa nhà văn phòng và khu vực bảo trì trong các căn cứ không quân. Quân đội Israel đánh giá tất cả các vụ tấn công bằng tên lửa của Iran vào các căn cứ không quân là "không hiệu quả", bởi không gây ra thiệt hại nào cho vận hành liên tục của Không quân Israel (IAF).
IAF đã tiếp tục các hoạt động của mình trong những giờ tiếp theo sau cuộc tấn công của Iran, bao gồm các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu Hezbollah ở Beirut, hỗ trợ cho lực lượng mặt đất ở miền Nam Liban và các cuộc tấn công ở Gaza.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đánh giá hiệu quả của một cuộc tấn công dựa trên mức độ thiệt hại gây ra cho cơ sở hạ tầng và tài sản quan trọng cũng như số lượng thương vong, chứ không phải số lượng tên lửa.
Bên cạnh đó, quân đội Israel báo cáo không có thiệt hại nào đối với chiến đấu cơ, thiết bị bay không người lái, đạn dược và cơ sở hạ tầng quan trọng.
IAF cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho động thái đáp trả Iran, theo chỉ thị của cấp chính trị. Tham mưu trưởng IDF, Trung tướng Herzi Halevi chiều 2/10 tuyên bố rằng quân đội Israel có khả năng tiếp cận và tấn công bất kỳ vị trí nào ở Trung Đông. Ông Halevi nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ đáp trả, chúng tôi biết cách xác định vị trí các mục tiêu quan trọng, chúng tôi có thể tấn công chính xác và mạnh mẽ".
Iran tuyên bố việc phóng hơn 180 tên lửa nhằm vào Israel tối 1/10 để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Abbas Nilforoushan. IRGC cảnh báo Israel sẽ phải đối mặt với các cuộc tấn công "nghiền nát" nếu trả đũa.
IDF tuyên bố đã đánh chặn "một số lượng lớn" các tên lửa này. IDF khẳng định hệ thống phòng không của Israel đã hiệu quả. Mỹ cũng tham gia bảo vệ Israel, bằng cách phát hiện trước mối đe dọa từ Iran và đánh chặn một số tên lửa. IDF cho biết đã có những tác động "riêng lẻ" ở miền Trung Israel và một số ảnh hưởng khác ở miền Nam Israel.
Dưới đây là video về mảnh vỡ tên lửa Iran tại miền Nam Israel (nguồn: Reuters):
Tại cuộc họp nội các an ninh trong một boongke gần Jerusalem sau vụ tấn công, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo rằng Tehran đã phạm phải sai lầm lớn và sẽ phải trả giá.
Trung Quốc đã kêu gọi các cường quốc thế giới ngăn chặn tình hình ở Trung Đông trở nên tồi tệ hơn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: "Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc có ảnh hưởng lớn, thực sự đóng vai trò xây dựng và ngăn chặn tình hình xấu đi hơn nữa”.
Điện Kremlin ngày 2/10 đánh giá tình hình ở Trung Đông đang diễn biến theo hướng đáng báo động và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Nga đã liên lạc với tất cả các bên trong khu vực. Ông Peskov đồng thời khẳng định Moskva lên án bất kỳ hành động nào gây ra cái chết của người dân thường.
Cùng ngày 2/10, các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) kêu gọi giảm leo thang căng thẳng ở Trung Đông đồng thời nhấn mạnh khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay bằng biện pháp ngoại giao.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi chấm dứt vòng xoáy leo thang nguy hiểm ở Trung Đông. Ông Antonio Guterres cũng lên án cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel.