Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại cho rằng đây là động thái nhằm mở đường cho việc quân đội Nhật Bản đưa quân ra bên ngoài phạm vi lãnh thổ để tham chiến kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2.
Từ ngày 20/11 tới đây, lực lượng của Nhật Bản được cử đến Nam Sudan sẽ nhận nhiệm vụ mới và điều này được cho là phù hợp với luật an ninh được ban hành năm 2015 của nước này nhằm mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở nước ngoài.
"Nam Sudan không thể tự đảm bảo hòa bình và ổn định cho đất nước của mình, cũng chính vì lý do này mà Liên hợp quốc đang phải tiến hành các hoạt động gìn giữ hòa bình tại đây. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang tiến hành các hoạt động trong một môi trường khắc nghiệt", Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trước Quốc hội.
Quân đội Nhật Bản tại Nam Sudan chủ yếu giúp nước này xây dựng cơ sở hạ tầng bị chiến tranh tàn phá, song theo các nhiệm vụ mới, lực lượng này cũng sẽ đáp ứng các yêu cầu khác của Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ. Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada cho biết Nhật Bản chưa tính đến việc quân đội nước này tham gia cứu hộ quân đội nước ngoài tại Nam Sudan.
Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch giao cho quân đội nước này một nhiệm vụ mới khi luật pháp Nhật Bản cho phép, đó là cùng với quân đội của các quốc gia khác bảo vệ cơ sở vật chất của lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. Tuy nhiên, những người phản đối việc làm này cho rằng, quân đội Nhật Bản có thể bị lôi kéo tham gia vào các cuộc chiến tranh bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản.
"An ninh là mối quan ngại. Nếu không nguy hiểm, tại sao lực lượng này lại được vũ trang?" Kiro Chikazawa, một công chức Tokyo tham gia cuộc biểu tình gần văn phòng Thủ tướng Abe cho biết.
Một số người khác cho rằng, việc cử quân đội Nhật Bản ra nước ngoài tham gia các hoạt động này là vi phạm các điều khoản trong luật hoạt động gìn giữ hòa bình mà hiến pháp Nhật Bản quy định.
“Nó cứ được tiến hành trong khi người ta phớt lờ việc luật pháp đã quy định các hoạt động này phải được thực hiện trong khuôn khổ của hiến pháp Nhật Bản". Bài xã luận Tháng Mười của tờ Asahi nhận xét.
"Giờ đây, Nam Sudan thực sự có ích cho Chính phủ Nhật Bản. Chúng ta phải phản đối các bước đi vội vã của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản”. Bài xã luận nhấn mạnh.
Cuộc xung đột tại Nam Sudan nổ ra từ tháng 12/2013. Năm 2015 một thỏa thuận hòa bình đã được ký kết nhưng không đem lại hiệu quả. Từ đó đến nay các cuộc đụng độ lẻ tẻ vẫn thường xuyên xảy ra tại đất nước này.