Ngày 5/8, quân đội Thái Lan đã lên tiếng bác bỏ khả năng xảy ra một cuộc đảo chính quân sự giữa lúc căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng tại quốc gia này.
Cảnh sát Thái Lan triển khai trước các tòa nhà chính phủ ở Bangkok đề phòng nguy cơ bất ổn. |
Người phát ngôn quân đội Thái Lan, Withai Suwaree cho biết "những tin đồn về đảo chính chỉ là sự tưởng tượng của một số người muốn làm rối loạn xã hội... Những suy luận về sự liên kết của quân đội với chính trị là không có cơ sở".
Không khí chính trị tại Thái Lan đã bất ngờ trở nên căng thẳng khi “Quân đội Nhân dân Thái Lan” - liên minh mới thành lập gồm các nhóm bảo hoàng quá khích phản đối đảng Puea Thai (Vì nước Thái) cầm quyền và cựu Thủ tướng đang sống lưu vong Thaksin Shinawatra - tuyên bố tổ chức biểu tình tại Bangkok.
Chính phủ Thái Lan đã phải ban bố luật an ninh nội địa (ISA) tại ba quận huyện nội đô Bangkok, cho phép nhà chức trách chặn một số tuyến đường hay phương tiện cụ thể, áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập, kiểm tra các tòa nhà... Các tòa nhà chính phủ cũng được tăng cường an ninh tối đa bằng hàng rào thép gai và lực lượng an ninh ở tất cả các cổng ra vào.
Cùng ngày 5/8, người phát ngôn của cảnh sát Bangkok cho biết cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Cảnh sát Bangkok hiện đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến cũng như thu thập thông tin về những người biểu tình và thủ lĩnh của phong trào này, đồng thời triển khai 11 đại đội tại ba quận hành chính ở thủ đô nhằm đối phó với những nguy cơ bất ổn có thể xảy ra.
Luật ân xá gây tranh cãi
Những người phản đối chính phủ đã bắt đầu cuộc biểu tình tại một công viên ở Bangkok từ chiều 4/8 để phản đối một dự luật ân xá do các nghị sĩ đảng cầm quyền Vì nước Thái đề xuất. Dự luật này cho phép ân xá tất cả các thành viên cấp thấp thuộc các phong trào biểu tình trên khắp đất nước kể từ cuộc đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin năm 2006, với khoảng 1.000 người thuộc cả phe “áo vàng” theo đường lối bảo thủ, bảo hoàng lẫn phe “áo đỏ” ủng hộ Thaksin.
Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra khẳng định mục đích của dự luật ân xá là nhằm thúc đẩy hòa hợp dân tộc, tuy vậy các nhóm bảo hoàng cực đoan lại cho rằng đây là âm mưu mở đường cho ông Thaksin trở lại Thái Lan mà không phải chịu án tù.
Lực lượng biểu tình, tự gọi họ là “quân đội của nhân dân”, tuyên bố sẽ lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck trong vòng một tuần. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà quan sát, lần này phe biểu tình có vẻ không được tổ chức tốt như các phong trào phản đối chính phủ trước đây. Dự kiến lượng người tham gia cuộc biểu tình có thể tăng lên vào ngày hôm nay, 6/8, một ngày trước khi Quốc hội bắt đầu xem xét dự luật trên.
Trong khi đó, nữ Thủ tướng Yingluck đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ bạo lực trở lại đường phố Bangkok, đồng thời kêu gọi tất cả các phe phái chính trị gạt bỏ mọi bất đồng nhằm tháo ngòi căng thẳng chính trị đã âm ỉ kể từ khi bà đắc cử hai năm trước. “Cho dù chỉ có 1% cơ hội thành công, tôi vẫn muốn cuộc xung đột kết thúc ngay trong thế hệ này”, bà Yingluck nói về quyết tâm thúc đẩy dự luật ân xá nhằm tiến tới hòa giải dân tộc.
Thu Hằng (tổng hợp)